Thuê nhà xưởng - Giải pháp đầu tư mới
- Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với đà khó khăn này, có thể 30% DN trong nước có nguy cơ phá sản, ngừng hoạt động. Đầu tư, mở rộng sản xuất vào thời điểm hiện tại không khả thi. Thay vào đó, các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đã chọn giải pháp thuê nhà xưởng để giảm bớt rủi ro đầu tư.
Nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam
Trong khi các thị trường lớn của Việt Nam (VN) như Mỹ, EU gặp khó khăn thì Nhật Bản đang mở ra nhiều cơ hội trong cả xuất khẩu và thu hút đầu tư tại VN. Sau thảm họa kép động đất-sóng thần xảy ra vào tháng 3-2011, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã chọn giải pháp đầu tư ra nước ngoài. VN đang trở thành điểm đến, đón thêm làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến tháng 8-2011, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 4/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN. Trong đó, riêng 7 tháng năm 2011 đã có 94 dự án mới, với tổng vốn 720 triệu USD. Và đến tháng 9-2011, Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 927 triệu USD (riêng năm 2011).
Ngoài những dự án lớn đang xúc tiến đầu tư ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiều DN nhỏ và vừa của Nhật cũng đã tìm đến TPHCM và các tỉnh lân cận. Ông Đoàn Hồng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Hậu, cho biết, 70% diện tích KCN Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) đã có NĐT, trong đó 80% là DN trong nước, 20% còn lại thuộc về DN nước ngoài. Kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, DN trong nước gặp khó khăn hơn, nên Long Hậu đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực cho thuê nhà xưởng. Hiện sản phẩm này đang thu hút thêm nhiều NĐT mới, chủ yếu từ nước ngoài. Đầu tư xây nhà xưởng cho thuê chỉ mới đưa vào thực hiện trong năm 2011 nhưng hiện đã có 35 DN nước ngoài, trong đó có đến 25 DN Nhật Bản đến thuê để đầu tư sản xuất tại đây, phần lớn là các DN nhỏ của Nhật, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Một trong những lợi thế để KCN Long Hậu có sức hút với NĐT nước ngoài chính là vị trí địa lý thuận lợi, giáp ranh với xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, cách KĐT Phú Mỹ Hưng (quận 7) khoảng 15km. Ngoài ra, khác biệt với nhiều KCN khác, Long Hậu đầu tư 270 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưu trú, với 7.000 chỗ ở dành cho chuyên gia và lao động trong KCN, cùng với các dịch vụ tiện ích khép kín như siêu thị, nhà trẻ, phòng khám bệnh…Với yếu tố tích cực từ thị trường thuê nhà xưởng, Long Hậu hy vọng sẽ đạt được 80% kế hoạch kinh doanh đặt ra trong năm 2011. Dù không đạt kế hoạch nhưng đây là mục tiêu khả quan, khi mà hầu hết DN kinh doanh trong lĩnh vực nhà đất đều trong tình trạng “bất động”.
Giảm thiểu rủi ro
Các NĐT nhỏ của Nhật Bản cho rằng, họ không có nhiều vốn để đầu tư thuê đất dài hạn nên thuê nhà xưởng có sẵn là giải pháp tối ưu nhất trong tình hình hiện nay vì giúp giảm thiểu rủi ro khi dịch chuyển đầu tư sản xuất vào VN. Quy trình thuê đơn giản, thời gian ký hợp đồng thuê xưởng 2 năm, nhà đầu tư đặt cọc tiền thuê 6 tháng. DN kinh doanh tốt có thể kéo dài thời gian thuê lâu hơn.
Không chỉ các DN nước ngoài mà các DN trong nước cũng đang hướng đến giải pháp này. Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH giày Liên Phát (Bình Dương), cho biết, nguồn lao động tại công ty từ 2.000, giảm xuống 1.500, rồi đến nay chỉ còn khoảng 1.000 lao động. Để đảm bảo sản xuất, công ty phải tìm thêm nguồn lao động ở nơi khác và đã quyết định thuê nhà xưởng sản xuất ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua nửa năm hoạt động, xưởng này đã thu hút gần 300 lao động địa phương và công ty dự kiến cũng sẽ thuê và mở thêm một xưởng khác tại đây.
Bà Liên cho rằng, lao động cho các ngành có thâm dụng lao động cao tại các thành phố lớn ngày một khan hiếm, việc dịch chuyển sản xuất về các tỉnh để tận dụng nguồn lao động địa phương là hướng đúng. Tuy nhiên nhiều DN đi trước cũng đã thất bại vì bỏ tiền đầu tư mà không có được nguồn lao động như mong ước, tiền đổ ra đầu tư xây dựng không thu lại được, gây lãng phí, thua lỗ. Thuê lại nhà xưởng có sẵn để sản xuất sẽ hiệu quả hơn nhiều. Vì lỡ không có đủ lao động, DN chỉ trả lại xưởng thuê, chở máy móc đi là xong, không phải tính toán, nuối tiếc với khoản tiền bỏ ra.
SGGP