Thực thi Hiệp định EVFTA: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tuân thủ tiêu chuẩn xanh, bền vững dài hạn
Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về các thách thức đáp ứng tiêu chuẩn xanh, bền vững và rủi ro thanh toán thương mại trong quá trình thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Các tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ và phải chuyển đổi. Ảnh: TTXVN |
Hiệp định EVFTA đang tác động tích cực đến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường EU. Bà có chia sẻ gì về kết quả này?
Như chúng ta thấy, Hiệp định EVFTA với tỷ lệ tự do hóa thuế quan trên 90% trong vòng 7 năm, là một trong những hiệp định tiêu chuẩn cao. Mặc dù đã đối mặt với khủng hoảng toàn cầu và dịch Covid-19 phức tạp, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt trên 14%. Tỷ lệ hưởng lợi từ EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt trên 40%. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 46,8 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 15% so với năm 2021, với 26% tổng kim ngạch hàng hóa được cấp C/O để hưởng ưu đãi thuế quan, nhờ đáp ứng quy tắc xuất xứ. 9 tháng 2023 thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 47,1 tỷ USD), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 32,8 tỷ USD... Đây là minh chứng cho tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường EU dù EVFTA có quy tắc xuất xứ chặt chẽ và không dễ dàng.
Tuy nhiên, thời gian tới đây quá trình thực thi EVFTA đang đặt ra không ít thách thức, trong đó có các tiêu chuẩn phát triển xanh, bền vững?
Thực tế, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững trong ngữ cảnh của EVFTA đang trở thành một thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các yêu cầu này được thiết lập để đảm bảo rằng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp của thị trường EU. Điều này có nghĩa rằng nếu doanh nghiệp không thể đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và bền vững, họ có thể mất cơ hội xuất khẩu hoặc phải trả các loại thuế cao hơn khi nhập khẩu vào thị trường EU.
Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương |
Theo đó, các tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ và phải chuyển đổi để đáp ứng qua việc việc lựa chọn nguồn liệu thân thiện với môi trường và đáp ứng các chứng chỉ và yêu cầu đối với xuất khẩu. Mặt khác, trong tương lai, các tiêu chuẩn xanh và bền vững sẽ trở nên bắt buộc hơn và rộng rãi hơn. Ví dụ, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ định giá carbon đối với các sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp phải sớm thích nghi để tránh rủi ro bị loại khỏi thị trường. Đặc biệt, tiêu chuẩn xanh và bền vững của EU áp dụng cho hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ dài hạn và duy trì thường xuyên, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của đối tác.
Ngoài ra, hiện một phần lớn doanh nghiệp đã nắm rõ những tiêu chuẩn mới của thị trường EU, ý thức và sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn mới như thực hiện chương trình từ nông trại đến bàn ăn, Luật Chống phá rừng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chủ động nắm bắt và thực hiện chiến lược dài hạn thông qua việc đào tạo nhân sự nắm rõ về các tiêu chuẩn xanh và bền vững, giúp họ hiểu rõ yêu cầu và quy định mới xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng cho từng loại sản phẩm hoặc dịch vụ. Tăng giá trị sản phẩm thông qua quá trình nghiên cứu, phát triển, kiểm tra sản phẩm để đảm bảo chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn xanh; xây dựng quy trình sản xuất rõ ràng và có hệ thống, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường và xuất xứ hàng hóa. Áp dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU.
Hiện nay, các nguy cơ rủi ro về thanh toán thương mại quốc tế đang hiện hữu. Theo bà, doanh nghiệp cần có giải pháp nào đối với vấn đề này trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU?
Trong thời gian gần đây, vấn đề thanh toán thương mại đã trở thành một thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các rủi ro liên quan đến thanh toán có thể gây khó khăn lớn cho các giao dịch quốc tế và đã dẫn đến mất mát đáng kể.
Để chủ động ứng phó với vấn đề này, một phần quan trọng trong việc quản lý rủi ro thanh toán thương mại mà doanh nghiệp cần quan tâm đó là cẩn thận trong việc rà soát và xác định các quy định và điều khoản trong các hợp đồng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tập trung vào chi tiết quy định về vấn đề thanh toán trong hợp đồng, đặc biệt là trong các giao dịch quốc tế.
Một biện pháp khác để giảm thiểu rủi ro thanh toán là kết nối chặt chẽ với các tham tán thương mại tại các đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại các quốc gia mà doanh nghiệp đang thực hiện giao dịch. Tham tán thương mại có thể cung cấp thông tin quan trọng về đối tác, pháp nhân và tình hình tài chính của họ. Qua đó, giúp doanh nghiệp kiểm tra và xác minh thông tin về đối tác trước khi tiến hành giao dịch, từ đó tránh được các rủi ro tiềm năng.
Ngoài ra, một biện pháp quan trọng và hiệu quả hơn là việc sử dụng bảo hiểm thương mại. Bảo hiểm thương mại giúp bảo vệ tài sản và quyền lợi của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp sự yên tâm khi tiến hành giao dịch quốc tế. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn mua bảo hiểm thương mại để bảo vệ mình khỏi các rủi ro thanh toán trong trường hợp đối tác không thực hiện thanh toán hoặc không thực hiện theo đúng điều khoản hợp đồng.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tận EVFTA hiệu quả, các chính sách, cơ chế pháp lý thực thi cam kết của Việt Nam cần đẩy mạnh ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, đòi hỏi của thị trường, thưa bà?
Để tận dụng Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả, việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để thực thi cam kết của Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Qua thời gian thực hiện hiệp định, chúng ta đã có những đánh giá tích cực về khả năng sử dụng EVFTA trong khía cạnh thương mại, đầu tư và xây dựng hệ thống pháp luật để đảm bảo tuân thủ cam kết.
Theo đó, chúng ta đã chứng kiến sự sửa đổi, bổ sung và ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết cụ thể trong 6 Chương và 1 Nghị định thư của EVFTA. Ngoại trừ một số cam kết chưa có lộ trình thực thi (như liên quan tới hàng tân trang) và một nhóm cam kết đã nội luật hóa nhưng chưa có cơ chế thực thi (ví dụ liên quan đến quyền tự do liên kết của người lao động), tất cả cam kết của EVFTA đã được "nội luật hóa" và đảm bảo tương thích thông qua 9 văn bản này.
Cụ thể, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của Nghị định về biểu thuế ưu đãi, chứng nhận gạo thơm, cũng như các thông tư về quy tắc xuất xứ và phòng vệ thương mại. Phần lớn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đều tương thích với cam kết EVFTA đã “nội luật hóa” (đặc biệt là về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại…); các quy định đều được thiết kế hợp lý, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm khả thi trên thực tế.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số ít trường hợp chưa hoàn toàn hợp lý, minh bạch, có thể dẫn tới khó khăn trong quá trình áp dụng hoặc hạn chế quyền mà lẽ ra doanh nghiệp có thể được hưởng theo cam kết. Như cách thiết kế hệ thống quy định pháp luật đấu thầu độc lập cho các gói thầu FTA; điều kiện chậm nộp chứng từ xuất xứ hưởng ưu đãi EVFTA; quy định không phân biệt các trường hợp lỗi vô ý/cố ý trong bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt thông tin và hướng dẫn chi tiết về các cam kết trong EVFTA có thể khiến cho các doanh nghiệp và các bên liên quan gặp khó khăn trong việc áp dụng và tuân thủ các quy định của hiệp định. Theo đó, bên cạnh yêu cầu kỹ thuật về việc điều chỉnh một số quy định, cơ chế thực thi EVFTA cho phù hợp và thuận lợi hơn. Cụ thể, cần có sự chuyển hướng công tác hỗ trợ về thông tin về EVFTA và các FTA cho doanh nghiệp theo hướng thông tin chi tiết, chính xác, cập nhật theo nhu cầu doanh nghiệp. Mặt khác, các chính sách, pháp luật có thể tiếp cận dễ dàng, thực chất hơn trong các hoạt động hỗ trợ khác như hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, kết nối và bảo vệ doanh nghiệp.
Vấn đề cần lưu ý thêm đó là một số quy định pháp luật Việt Nam có thể hạn chế quyền tự do cam kết và thoả thuận trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Điều này có thể tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc thực hiện cam kết và thoả thuận của mình trong khu vực thương mại tự do. Vì thế, cần thiết phải điều chỉnh các quy định này để đảm bảo sự tuân thủ tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho thực thi EVFTA.
Xin cảm ơn bà!