Thực hư về các loại thuốc lá thế hệ mới trên thị trường
Các loại thuốc lá thế hệ mới được biết đến nhiều nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Tuy cùng hoạt động bằng thiết bị điện tử, nhưng hai sản phẩm này khác biệt nhau từ nguyên liệu, cơ chế vận hành, kiểu dáng, cũng như tính phổ biến và mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng.
Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử: Cùng làm nóng nhưng khác nguyên liệu
Dễ thấy, đặc điểm chung của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này là dùng một thiết bị điện tử để làm nóng thay vì đốt cháy trực tiếp điếu thuốc như thuốc lá điếu thông thường. Chính vì vậy nên thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử thường bị nhầm lẫn và gọi tên chung là “thuốc lá điện tử”. Trên thực tế, hai dòng sản phẩm hiện đang phổ biến trên thị trường “chợ đen” này có sự khác biệt rõ rệt.
Một cửa hàng bán thuốc lá điện tử công khai tại TP Hồ Chí Minh, dù mặt hàng này chưa được phép kinh doanh tại Việt Nam |
Phỏng vấn những người đã sử dụng thuốc lá thế hệ mới, chúng tôi được biết: Thuốc lá làm nóng dùng thiết bị để làm nóng nguyên liệu thuốc lá, từ đó tạo ra nicotine để cung cấp cho người hút thuốc. Vì có sử dụng điếu thuốc lá đặc chế (khác với điếu thuốc lá thông thường), nên những người đã từng hút thuốc lá điếu lâu năm sẽ rất quen thuộc với thuốc lá làm nóng.
Khác với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử là sản phẩm hóa hơi (làm nóng) tinh dầu có chứa hoặc không chứa nicotine. Đặc biệt, thuốc lá điện tử còn phân ra hai loại: một loại là “hệ thống đóng” (closed system) chỉ sử dụng dung dịch đóng gói sẵn từ nhà sản xuất, người dùng không thể tự pha chế hỗn hợp dung dịch theo sở thích, do đó ít phổ biến trên thị trường. Loại còn lại có “hệ thống mở” (open system), cho phép người dùng pha trộn dung dịch theo nhu cầu và sở thích, tăng giảm liều lượng nicotine, tạo nhiều mùi hương, thậm chí “màu khói” khác nhau.
Bất kỳ ai cũng có thể pha trộn tinh dầu vào thuốc lá điện tử hệ thống mở, ẩn chứa nhiều nguy cơ đến sức khỏe |
Theo cảnh báo của các cơ quan y tế và an ninh, phần lớn các vụ ngộ độc ma túy, chất cấm gần đây là từ thuốc lá điện tử hệ thống mở. Hầu hết các nạn nhân đều bị dẫn dụ bởi người bán hoặc chính họ tự có chủ đích tìm kiếm chất cấm chứa trong vỏ bọc "trá hình" là thiết bị thuốc lá điện tử. Riêng quý 1 năm nay, Bộ Công an đã bắt hàng chục vụ buôn lậu ma túy núp bóng dưới danh nghĩa thuốc lá điện tử, bên cạnh các loại đồ uống, thực phẩm khác.
Năm 2020, Viện Chiến lược và Chính sách y tế thực hiện một nghiên cứu về hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, tỉ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), riêng ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Ngược lại, nghiên cứu trên không tìm ra bằng chứng nào về sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với thuốc lá làm nóng. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Tại Nhật Bản, sau 5 năm cấp phép kinh doanh thuốc lá làm nóng, 44% thanh thiếu niên Nhật đã ngừng sử dụng thuốc lá điếu.
Không chỉ Nhật Bản, các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nga, Anh, Mỹ, New Zealand, Israel... cũng cấp phép lưu hành cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới với điều kiện rằng những sản phẩm đó đã vượt qua quá trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt bởi các cơ quan y tế uy tín như FDA Hoa Kỳ, PHE Anh Quốc, BfR của Liên Bang Đức...
Đối chiếu với tình hình pháp lý ở Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm “Phòng chống tác hại thuốc lá - Hành động mới từ góc nhìn toàn cầu” vừa qua, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Nếu hiểu theo đúng tinh thần của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì luật chỉ điều chỉnh những thứ gọi là thuốc lá. Mà đã là thuốc lá thì cần xét đến nguyên liệu có phải là thuốc lá hay không để xác định khả năng chịu sự kiểm soát của luật”.
Sản phẩm nào có chứa ma túy thì không được gọi là thuốc lá nữa, và rõ ràng là phải bị cấm theo luật, ông Hải bổ sung thêm.
Đã đủ cơ sở để quản lý thuốc lá làm nóng bằng luật hiện hành
Cũng trong tọa đàm trên, ông Lê Đại Hải một lần nữa nhắc lại các thông lệ quốc tế mà bộ luật hiện hành của Việt Nam đang tuân thủ: Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá làm nóng đã được xác định là sản phẩm thuốc lá. Định nghĩa này cũng được đề cập tương tự trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012. Do đó,một khi thuốc lá làm nóng đã được định danh là thuốc lá, chịu sự quản lý theo Luật đầu tư 2020, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cùng với Nghị định 67 sửa đổi, thì đã có thể được đưa vào quản lý ngay mà không cần thí điểm.
Bổ sung cho ý của ông Hải ở góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh sự kỳ vọng đối với việc sớm có biện pháp quản lý thuốc lá thế hệ mới. Bà Liên cũng đặt vấn đề về nghịch lý: Vì sao các cơ quan chức năng vẫn đang vất vả đấu tranh với tình trạng nhập lậu thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử mà những sản phẩm chính danh được FDA Hoa Kỳ cùng các cơ quan y tế quốc tế khác công nhận thì lại chưa được đưa vào diện quản lý?
Chính xác hơn, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào đã phù hợp với định nghĩa của luật Phòng chống tác hại thuốc lá (tức trong thành phần có chứa nguyên liệu thuốc lá, tiêu biểu như thuốc lá làm nóng) thì cần phải được đưa vào quản lý ngay. Chính sách này sẽ mang lại các lợi ích cụ thể: bảo vệ lợi ích người dùng, nâng cao năng lực quản lý mọi sản phẩm thuốc lá của quốc gia, đồng thời chống thất thu thuế, giúp bảo toàn ngân sách.