Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội
Tệ nạn xã hội đã và đang gây tác hại nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực tới nét đẹp văn hóa, sức khỏe của nhân dân; gây mất an ninh, trật tự xã hội.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, bảo đảm cho mỗi người dân, gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Công tác tham mưu lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp” |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Ngọc Quý - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống tệ nạn xã hội”. Để thực hiện có hiệu quả công tác, Đảng ta chỉ rõ cần phải “thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, kiểm soát ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phòng ngừa, đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ người sau cai nghiện, mại dâm và nạn nhân bị buôn bán trở về hòa nhập cộng đồng”; “Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”. Đồng thời “phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc vào gìn giữ và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”…
Mặc dù công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được thực hiện quyết liệt, với sự nỗ lực tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình tệ nạn xã hội vẫn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, lợi dụng công nghệ cao để hoạt động, nhất là hoạt động qua không gian mạng (tuyên truyền lôi kéo, tổ chức, trao đổi, liên lạc…).
Vì vậy, buổi tọa đàm hôm nay có ý nghĩa quan trọng, nhằm đánh giá công tác tham mưu lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua; làm rõ những vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân, đề xuất giải pháp thực hiện công tác tham mưu phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại tọa đàm có 7 tham luận trình bày, nhiều ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý. Các ý kiến tham luận, phát biểu tập trung làm rõ các nội dung: Đánh giá thực trạng công tác tham mưu và kết quả thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ thực tiễn của một số bộ, ngành và địa phương. Những vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và kinh nghiệm trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngoài các nhóm nội dung chính trên, các nhà khoa học còn bàn thảo vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn quá trình tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội…
Sau khi trao đổi, lắng nghe ý kiến của nhà khoa học và các đại biểu, kết luận tại tọa đàm, ông Bùi Ngọc Quý lưu ý: Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Để nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là:
Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống các tệ nạn xã hội trên phương tiện thông tin đại chúng, cũng như tuyên truyền trực tiếp nhằm làm chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mua bán, sử dụng ma túy, mại dâm, đánh bạc...
Bên cạnh đó, tiếp tục phát động và đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, nhất là trong đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức nhà nước.
Kết hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội với phong trào xây dựng nông thôn, xóm, đường phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị an toàn; xây dựng gia đình văn hóa, khối phố văn hóa. Nhân rộng và khen thưởng kịp thời các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội…
Kết quả cuộc tọa đàm này là cơ sở khoa học giúp Vụ Xã hội - đơn vị đầu mối có chức năng tham mưu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực này được sát thực và hiệu quả hơn; là căn cứ để xây dựng tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian tới. |