Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn
Đây là đề xuất được đưa ra tại Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”, diễn ra ngày 1/12 tại Hà Nội nhằm thúc đẩy TTKDTM cho khu vực nông thôn Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam 2021” được tổ chức thường niên, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm…
Khuyến khích phát triển TTKDTM khu vực nông thôn
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, TTKDTM được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống. Tuy nhiên, ông Nam cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khiến việc phổ cập phương thức TTKDTM ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có các giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp. Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn”.
Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo |
Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - khẳng định, thời gian qua, cùng với các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng luôn quan tâm và đồng hành cùng các cơ quan, ban ngành trong việc triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn; đồng thời triển khai nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một trong các chính sách quan trọng đó là phát triển TTKDTM.
Song song với đó, NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Vietel, VNPT và MobiPhone triển khai thí điểm dịch vụ này; xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP trong đó đề xuất quy định về hoạt động đại lý thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ TTKDTM.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN - cho biết đã triển khai nhiều mô hình TTKDTM ở khu vực nông thôn |
Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, NHNN đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình TTKDTM ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thời gian tới. Trong đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; Trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về TTKDTM nhằm nâng cao nhận thức của người dân về TTKDTM, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.
Tăng cường truyền thông TTKDTM khu vực nông thôn
Để triển khai thực hiện tốt Đề án TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ông Nguyễn Hải Long - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã đề xuất những giải pháp quan trọng.
Ông Long nhấn mạnh, với mạng lưới giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, gần 4.000 máy ATM, gần 25.000 máy POS và 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động tại các địa bàn nông nghiệp nông thôn, Agribank đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn. Theo đó, các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất góp phần hạn chế tín dụng đen tại khu vực nông nghiệp nông thôn, từng bước tạo thói quen TTKDTM cho các khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
"Đồng thời, để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ TTKDTM, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Agribank đã thực hiện chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh giao dịch tại quầy, dịch vụ ngân hàng điện tử, phát hành thẻ ATM miễn phí cho khách hàng; triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử", ông Nguyễn Hải Long thông tin thêm.
Tại hội thảo, một nông dân đã đặt câu hỏi, liệu Mobile Money có an toàn cho người sử dụng, nếu để mất điện thoại thì có bị mất tiền hay không? Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Đăng Thắng - đại diện của VNPT - khẳng định, Mobile Money rất an toàn với người sử dụng. Bởi các đơn vị viễn thông được cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ này đều phải trải qua quá trình thẩm định rất chặt chẽ của 3 bộ: NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về tất cả vấn đề nghiệp vụ, hệ thống, an toàn thông tin, vận hành dịch vụ khi cung cấp dịch vụ thanh toán. Các giải pháp kỹ thuật phải tuân thủ quy định và được chứng nhận về an toàn.
Theo ông Thắng, sử dụng tài khoản Mobile Money có 2 lớp xác thực gồm mật khẩu và xác thực qua OTP hoặc Smart OTP. Khác với các hình thức thanh toán điện tử khác phải có Smartphone và Internet, khách hàng không có Smartphone vẫn có thể dùng Mobile Money, thực hiện thanh toán qua SMS. Việc thanh toán đơn giản, nhanh chóng và không cần Internet, rất phù hợp ở vùng sâu vùng xa. Hiện nay, để khuyến khích người dùng, các nhà mạng cũng đang áp dụng miễn phí, khuyến mãi. Chẳng hạn, toàn bộ việc thanh toán dịch vụ công đều được miễn phí, trước mắt tạo thói quen không dùng tiền mặt cho người dân.
Đối với băn khoăn của người nông dân trong việc cần phải xây dựng, tổ chức các điểm giao dịch có quy mô như sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) để ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn trở nên phổ biến hơn, cũng như có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mở sàn giao dịch TMĐT ở khu vực nông thôn, vùng xa, vùng miền núi, ông Bùi Huy Hoàng – Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ: thời gian qua, Cục đã triển khai rất nhiều chương trình tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông đặc sản của các vùng miền, địa phương trên cả nước thông qua việc phối hợp với các sàn TMĐT và đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực.
Ông Bùi Huy Hoàng – Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo |
Ông Bùi Huy Hoàng thông tin thêm, không có hạn chế nào trong việc mở các sàn giao dịch TMĐT cũng như các website TMĐT. Sàn hay website TMĐT cũng có thể hình dung như một cửa hàng hay một siêu thị bán hàng của doanh nghiệp hay cá nhân trên môi trường số, quan trọng là thực thể hàng hóa được lưu thông từ vùng miền này đến các vùng miền khác, chứ không phải là vị trí mở sàn TMĐT nông thôn hay thành thị. Do vậy các hộ nông dân, hợp tác xã hoàn toàn có thể liên kết với các sàn TMĐT hiện nay với các chuyên mục nông sản như Voso, Sendo Farm, Postmart, Shopee Farm..., có khả năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, giúp nông sản vận chuyển tới tay người tiêu dùng trên khắp vùng miền. Qua đó cũng có thể tận dụng thêm nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ các Bộ ngành Trung ương, các sàn TMĐT đối tác để việc tiêu thụ nông sản đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chia sẻ từ phía cơ sở, bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ - cho biết, để đẩy mạnh TTKDTM ở khu vực nông thôn, thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng thông qua website, zalo, trên nền tảng mạng xã hội về lợi ích của việc không sử dụng tiền mặt để người dân hiểu rõ hơn tiện ích của phương tiện TTKDTM.
Bà Thư cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh tuyên truyền một cách cụ thể hoạt động TTKDTM cho người dân hiểu biết đầy đủ hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp với mình. Những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân khiến cho khách hàng dần từ bỏ đi thói quen và tập quán chi tiêu bằng tiền mặt.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN - khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, phải thay đổi nhận thức, hành vi dùng tiền mặt của người dân. Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là phát triển xã hội số, kinh tế số, theo đó, phải có sự dịch chuyển chung về TTKDTM của cộng đồng, với khu vực nông thôn chiếm hơn 60% dân số, nên thay đổi phải trước hết phải từ khu vực này. “Để thúc đẩy chiến lược TTKDTM, bên cạnh các cơ chế chính sách khác, truyền thông được xem là trụ cột quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt người dân nông thôn về không sử dụng tiền mặt", Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết.
Đề cập về việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển TTKDTM, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, để thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính luôn được NHNN xác định có vai trò quan trọng.
Để thực hiện mục tiêu đó, truyền thông NHNN luôn hướng tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị; hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020); hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50 - 80%/năm về số lượng; thanh toán qua Internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Đáng chú ý, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai. |