Thúc đẩy tăng trưởng bền vững từ sự phát triển của doanh nghiệp
Đại biểu quốc hội Vũ Tiến Lộc |
Trong những biện pháp mà Chính phủ đưa ra tại báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2017, theo ông, đâu là giải pháp quan trọng nhất giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm?
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho là cùng lúc chúng ta phải thực hiện 2 giải pháp: một mặt tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh nguồn vốn đầu tư công, đưa các dự án lớn đi vào hoạt động, một mặt cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Đây cũng chính là tinh thần của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017 vừa diễn ra cũng như là giải pháp trọng tâm được Chính phủ đưa ra tại báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm.
Để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi trong ASEAN thì ta phải bám chắc những mục tiêu đó để có chương trình hành động cụ thể với trách nhiệm rõ ràng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Trên cơ sở đạt được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doạnh thì các nguồn lực sẽ được khơi thông và chúng ta sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển. Các mục tiêu phát triển trong và ngoài năm nay phải đặt trên lộ trình tạo lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Nhiều ý kiến cho rằng năm nay, GDP nước ta rất có thể sẽ không đạt mức tăng trưởng như mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 6,7%. Theo ông, cần giải pháp gì để thúc đẩy GDP tăng trưởng bền vững trong năm nay nói riêng và những năm sau?
Tôi nghĩ các biện pháp căn bản để thúc đẩy GDP bền vững vẫn là những biện pháp thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để khai thông các nguồn vốn trong dân và tạo điều kiện để có sự cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế. Chỉ khi tăng trưởng GDP được dựa trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của DN, trọng tâm là các DN tư nhân thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Do GDP liên quan tới công ăn việc làm, nợ công và các vấn đề an sinh xã hội nên dù nỗ lực bằng mọi cách để tăng trưởng mạnh mẽ GDP là cần thiết, nhưng sự tăng trưởng đó phải đặt trên những nền tảng dài hạn, căn bản, đó chính là thể chế. Phải làm sao để thể chế công bằng, thuận lợi, an toàn, huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển và bằng cách đó sẽ tăng trưởng được GDP. Tôi nghĩ đó là biện pháp căn cơ nhất.
Vì vậy, trước khi đưa ra yêu cầu tăng trưởng phải tái cấu trúc nền kinh tế. Khi đặt ra yêu cầu tăng trưởng có hiệu quả và nâng cao chất lượng tăng trưởng thì có thể trong một giai đoạn nhất định, chúng ta có thể chưa đạt được con số như kỳ vọng nhưng sẽ tạo lập nền tảng để có những bước tăng trưởng cao bền vững trong những năm tới.
Tăng trưởng bền vững phải dựa tren nền tảng sự phát triển của DN. Tuy nhiên, hiện nay, không ít ý kiến cho rằng DN còn gặp khó khăn do các loại phí của ta còn nhiều và cao. Theo ông, các loại phí nào cần phải giảm ngay để tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt hơn?
Theo ý kiến các DN, hiện nay, cấp bách là phải giảm một số thủ tục hành chính, giảm các chi phí về cơ sở hạ tầng, logistics, giảm lãi suất ngân hàng… Muốn giảm lãi suất thì phải xử lý nợ xấu và đây đang là là thách thức rất lớn. Quốc hội, Chính phủ đang bàn nhiều giải pháp để giải quyết căn bản hơn vấn đề nợ xấu. Khi đã giải quyết được sẽ mở đường cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, các chi phí về lao động, tăng tiền lương tối thiểu cũng phải duy trì thế nào để phù hợp sức chịu đựng của DN trong bối cảnh hiện nay. Các chi phí về bảo hiểm xã hội cũng phải tính toán lại. Hiện chi phí bảo hiểm xã hội của chúng ta vẫn thuộc loại cao trên thế giới.
Ngoài ra, còn 1 loại phí mà DN rất sợ là phí “bôi trơn”. Muốn giải quyết khoản phí này một cách căn cơ nhất thì phải tạo được môi trường kinh doanh minh bạch, các quy định pháp luật phải hết sức đơn giản, rõ ràng, mạch lạc, không tạo nhiều cách hiểu khác nhau. Cần đưa công nghệ quản lý mới, mô hình quản lý mới vào để giúp giảm chi phí không chính thức.
Ví dụ hiện nay Chính phủ đề ra yêu cầu tăng cường hoàn thiện mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công tới cấp tỉnh, huyện. Khi thực hiện mô hình hành chính công như vậy, tất cả các dịch vụ tập trung tại một điểm, được giải quyết trên mạng điện tử và dưới sự giám sát minh bạch, từ đó giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nhũng nhiễu. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm giảm chi phí không chính thức, phí “bôi trơn” cho DN.
Xin cảm ơn ông!