Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng. (Ảnh: TTXVN tại Paris/Vietnam+)
CôngThương - Cộng hòa Pháp là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong thời gian tới, hai nước đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương lên tầm “Đối tác chiến lược” và tổ chức thành công năm giao lưu chéo 2013- năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhân dịp ông Dương Chí Dũng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao được bổ nhiệm và sang Pháp đảm nhận cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, kiêm nhiệm Bồ Đào Nha, Công quốc Monaco, Andora và Cộng hòa Trung Phi, PV VOV thường trú tại Paris đã có cuộc phỏng vấn ông về việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và các nước kiêm nhiệm trong thời gian tới.
PV: Xin Đại sứ đánh giá về mối quan hệ Việt – Pháp vào thời điểm hiện nay?
Đại sứ Dương Chí Dũng: “Sau chuyến thăm chính thức nước CH Pháp của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng
6/2005, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí khuôn khổ quan hệ giữa hai nước là “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy trong thế kỷ 21”. Từ đó đến nay, có thể nói quan hệ Việt- Pháp tiếp tục phát triển đều trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, quốc phòng, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đào tạo....
Hai nước thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các đoàn cấp cao, duy trì cơ chế đối thoại chiến lược về các vấn đề đối ngoại và quốc phòng, cũng như cơ chế tham khảo chính trị về quan hệ song phương giữa hai nước. Bên cạnh đó, Diễn đàn hợp tác Kinh tế-Tài chính Pháp-Việt thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính và doanh nghiệp hai nước tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn trao đổi, đề xuất các khuyến nghị về các chính sách phát triển kinh tế-xã hội rất bổ ích.
Hợp tác văn hóa giữa hai nước cũng đã có những bước phát triển mới với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp vào tháng 11/2008. Đây là Trung tâm Văn hóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam tại châu Âu và được đặt tại Thủ đô Paris, CH Pháp, thể hiện rõ việc Việt Nam coi quan hệ với Pháp là cầu nối để thúc đẩy quan hệ với EU và châu Âu nói chung.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước, một đặc thù trong quan hệ Việt-Pháp tiếp tục phát triển thể hiện qua việc Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phi tập trung lần thứ 8 tại Hải Phòng vào tháng 11/2010 và hiện nhiều địa phương của hai nước đang xem xét, xúc tiến việc ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với nhau.
Tóm lại, trong thời gian qua, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Pháp tiếp tục phát triển sâu rộng, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực và được phía Pháp đánh giá là “quan hệ đối tác chiến lược trên thực tế”. Tuy nhiên, quan hệ này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và bề dày lịch sử quan hệ hai nước. Do vậy, quan hệ này cần phải có một khuôn khổ hợp tác mới nhằm tạo động lực và những bước đột phá mới, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và phát triển bền vững.
PV: Trong những năm sắp tới, Việt Nam sẽ có những dự án gì để làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt – Pháp, nhất là việc nâng tầm mối quan hệ hai bên lên mức “đối tác chiến lược”?
Đại sứ Dương Chí Dũng: Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, xuất phát từ mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập một khuôn khổ đối tác mới, trọng tâm nhiệm kỳ công tác của tôi là xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp cũng như làm rõ nội hàm của quan hệ này.
Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí về nguyên tắc việc thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược này.
Về Chính trị, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa việc trao đổi các đoàn cấp cao để củng cố sự nhất trí và quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, Tổng thống Sarkozy cũng đã nhận lời sang thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp. Việt Nam khẳng định sẵn sàng là cầu nối cho quan hệ giữa Pháp và các nước trong khu vực châu Á và ASEAN; Pháp cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU...
Về Kinh tế, Thương mại, Đầu tư, hai nước sẽ thúc đẩy họat động của Hội đồng cấp cao vì sự phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp và Diễn đàn hợp tác Kinh tế-Tài chính Pháp-Việt. Pháp đã khẳng định tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên xúc tiến thương mại, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia vào nhiều dự án, nhất là một số dự án lớn có ý nghĩa kinh tế xã hội. Đặc biệt là Pháp bày tỏ quyết tâm giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện nguyên tử và coi đây là một trong những trọng tâm trong hợp tác khoa học kỹ thuật với Việt Nam.
Trên lĩnh vực Văn hóa, Du lịch, lãnh đạo hai nước đã quyết định tổ chức “Năm chéo” vào năm 2013 nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Năm 2013 sẽ là năm có ý nghĩa với rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật mà cả trên các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, du lịch.... Các hoạt động này sẽ được tổ chức không chỉ ở hai Thủ đô Hà Nội và Paris mà cả ở tất cả các địa phương hai nước, đặc biệt là các địa phương đã có quan hệ hợp tác, kết nghĩa với nhau.
Hợp tác Giáo dục-Đào tạo là một trong lĩnh vực mà Việt Nam rất coi trọng và ưu tiên trong quan hệ với Pháp cũng sẽ tiếp tục được tăng cường. Pháp đã khẳng định sẽ tăng học bổng và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao số học sinh Việt Nam sang du học tại Pháp ở trình độ đại học và sau đại học. Pháp sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đào tạo 10.000 Tiến sĩ từ nay đến 2020; Trường Đại học Khoa học, Công nghệ Việt-Pháp sẽ sớm đi vào hoạt động với nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, trong đó đặc biệt phải kể đến việc đào tạo trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Lĩnh vực y tế cũng sẽ có bước phát triển mới với việc Pháp hứa sẽ giúp Việt Nam nâng cấp trường Đại học Y Hà Nội thành trường Y thực hành...
Về Hợp tác An ninh, Quốc phòng, hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Francois Fillon, tạo khuôn khổ cho quan hệ tin cậy lẫn nhau. Pháp sẽ giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, kỹ thuật quốc phòng (rađa cảnh giới biển, thủy đạc...), quân y, trao đổi kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; trong lĩnh vực cảnh sát: tăng cường hợp tác trong chống tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng sẽ tiếp tục được tăng cường. Hiện đã có tới 52 địa phương của Pháp là đối tác với 54 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Hội nghị hợp tác phi tập trung lần thứ 8 đã được tổ chức thành công tại Hải Phòng vào tháng 11/2010 và hai bên đang phối hợp để tổ chức tốt Hội nghị lần thứ 9 tại thành phố biển Brest vào năm 2013.
PV : Trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Pháp, ngoài sự kiện “Năm giao lưu chéo” sẽ tổ chức vào năm 2013, xin Đại sứ cho biết những hoạt động khác có ý nghĩa sẽ diễn ra trong thời gian này ?
Đại sứ Dương Chí Dũng:Ngay từ đầu năm 2012 tới, Đại sứ quán sẽ có một số họat động hướng tới năm 2013 như: phối hợp với Thành phố Aubenas (tỉnh Ardèche) tổ chức “Tuần Việt Nam” vào tháng 2/2012 ; phối hợp với các địa phương của Pháp, đặc biệt là Vùng Poitou-Charentes tổ chức Festival Huế vào tháng 4/2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Festival Huế năm 2012 này cũng sẽ có ý nghĩa đặc biệt vì sẽ được kết hợp để tổ chức“Năm du lịch quốc gia” do TP Huế đăng cai tổ chức. Đây sẽ là một sự kiện văn hóa, du lịch lớn nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế, trong đó có Pháp về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hệ thống các di sản văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, ngay từ bây giờ, Đại sứ quán cũng đang tích cực phối hợp với phía Pháp chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị hợp tác phi tập trung lần thứ 9 tại TP Brest, dự kiến vào tháng 7/2013.
PV: Thưa Đại sứ, đâu sẽ là những lĩnh vực ưu tiên trong việc thực hiện chính sách ngoại giao mở rộng đối với Pháp cũng như đối với các nước mà ông giữ vai trò Đại sứ kiêm nhiệm trong thời gian tới?
Đại sứ Dương Chí Dũng: Như tôi đã nói ở trên, trọng tâm nhiệm kỳ của tôi là xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với Pháp và thảo luận với phía Pháp để làm rõ nội hàm của quan hệ này. Việc tổ chức thành công năm chéo 2013 cũng là một nội họat động ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác này. Thúc đẩy công tác về cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cũng là một ưu tiên lớn của tôi.
Chúng tôi cho rằng trên 300.000 bà con người Việt Nam ở Pháp, đây chính là cầu nối rất quan trọng cho quan hệ truyền thống và gắn kết cho bà con hướng về đất nước, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Với khối lượng trên 40.000 người Việt Nam hiện nay tại Pháp có học vấn cao, đây chính là nguồn lực quý báu đóng góp về mặt khoa học; công nghệ có thể giúp cho sự phát triển của đất nước đồng thời có thể là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trong những lĩnh vực liên quan.
Đối với các nước như Công quốc Monaco, Công quốc Andora, chúng ta sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch, ngân hàng, nghiên cứu biển với hai nước này. Như tôi được biết Monaco đã có hợp tác với Viện Hải dương học Nha Trang và hai nước đang xem xét tiến tới ký một thỏa thuận hợp tác khung về du lịch.
Đối với Bồ Đào Nha, quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt đẹp, nhưng hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị. Do vậy, hai bên đang đặt trọng tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, hàng hải: sẽ thảo luận và đi đến ký kết một số Hiệp định khung quan trọng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác trong các lĩnh vực này như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư...
Đối với CH Trung Phi, hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11/2008 nên còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc thỏa thuận và ký kết một số Hiệp định khung tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác mọi mặt giữa hai nước. Hơn nữa, quan hệ Việt Nam-CH Trung Phi cũng cần được đặt trong tổng thể chiến lược quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi nói chung. Việt Nam và CH Trung Phi đang thảo luận để đi đến ký Hiệp định hợp tác địa phương ba bên trong lĩnh vực nông nghiệp với sự tham gia tài trợ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Ngoài ra, CH Trung Phi là một thị trường rộng lớn để Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, hải sản và dệt may...
PV : Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào năm 2012. Vậy liệu sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với việc củng cố và phát triển mối quan hệ song phương, thưa Đại sứ?
Đại sứ Dương Chí Dũng: Lịch sử quan hệ Việt-Pháp đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng vượt lên trên tất cả là mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hiểu biết lẫn nhau. Trước đây, Pháp là nước đi đầu trong các nước phương Tây khai thông quan hệ với Việt Nam với việc Tổng thống Francois Mitterrand, là người thuộc phe cánh tả, thăm Việt Nam vào tháng 2/1993 (đây là Tổng thống Pháp và Tổng thống nước phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam), qua đó giúp ta bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ thế giới, tiến tới bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước khác, trong đó có Mỹ. Tiếp đó, Tổng thống Jacques Chirac, người của đảng cánh hữu, đã hai lần thăm Việt Nam vào tháng 11/1997 và tháng 10/2004. Tổng thống Sarkozy cũng bày tỏ đánh giá cao quan hệ với Việt Nam và mong muốn thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp.
Hơn nữa, quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước rất phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Đây chính là những cầu nối rất bền chặt, thủy chung của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp.
Trước đây, trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, quí báu, chí tình, tình đoàn kết rộng rãi của nhân dân và bạn bè Pháp. Nhiều lãnh đạo và chính khách Pháp hiện nay đều trưởng thành từ chính phong trào xuống đường bày tỏ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam và đến nay, họ vẫn giữ những tình cảm tốt đẹp đó đối với Việt Nam. Nói như vậy để thấy rằng chính sách đối ngoại của Pháp đối với Việt Nam là luôn nhất quán, cho dù Tổng thống thuộc phe tả, hay phe hữu.
Trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam, Việt Nam khẳng định luôn dành ưu tiên cao cho quan hệ với Pháp và coi quan hệ với Pháp là cầu nối để thúc đẩy quan hệ với EU và châu Âu. Lãnh đạo cấp cao của Pháp cũng tỏ rõ rất coi trọng vị, trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, coi Việt Nam là một trong những ưu tiên lớn trong chính sách châu Á của Pháp và là cửa ngõ để Pháp đi vào ASEAN.
Hơn nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là Đảng cầm quyền đều có quan hệ tốt với các đảng cánh tả và cả cánh hữu trong đó có Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản và Đảng Liên minh vì một phong trào nhân dân.
Do vậy, tôi tin tưởng rằng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, dù Tổng thống mới của Pháp là người của Đảng cánh tả hay cánh hữu, thì chính sách đối ngoại của Pháp đối với Việt Nam cũng sẽ không thay đổi và thậm chí có thể nói sẽ có những bước phát triển mới, đi vào chiều sâu và phát triển bền vững trong một khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ ./.