Thừa Thiên Huế sẽ di dời hơn 4.000 hộ dân quanh Kinh thành Huế
Toàn cảnh Kinh thành Huế nhìn từ trên cao |
Theo đó, phương án di dời dân cư là hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021. Kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 2.800 tỷ đồng, theo nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Giai đoạn 1 ưu tiên tập trung di dời phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 là tại các di tích còn lại như Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiêm Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành (phường Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc) và di tích Trấn Bình Đài.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ - trong chuyến khảo sát, thăm hỏi các hộ dân sống trong khu vực bảo vệ di tích Kinh thành Huế |
Trước khi di dời, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư, xây dựng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư, với diện tích khoảng 73ha tại phường Hương Sơ (TP. Huế). Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, khu tái định cư mới này phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về hạ tầng kỹ thuật (giải phóng mặt bằng, san nền, đường giao thông, cấp thoát nước, điện,..) và các thiết chế văn hóa y tế, giáo dục, tổng mức kinh phí đầu tư hơn 1.360 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, còn cần nguồn kinh phí khá lớn cho việc cải tạo mặt bằng nguyên trạng di tích sau khi di dời dân cư và thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích. "Sau khi hoàn thành phương án di dời, khu vực thượng thành, eo bầu, hộ thành hào sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới như tuyến đi bộ trên thượng thành, tham quan Kinh thành Huế bằng đường thủ…", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho biết sẽ di dời hơn 4.000 hộ dân sông quanh khu vực Kinh thành Huế |
Trước đó, tháng 9/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ - đã có chuyến khảo sát, thăm hỏi để nắm tâm tư nguyện vọng của các hộ dân sống trong khu vực bảo vệ di tích. Trong chuyến thực tế này, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đã đến trực tiếp các hộ dân để chia sẻ, nghe những tâm tư của họ khi phải sinh sống trong điều kiện nhà ở có chất lượng thấp trong nhiều năm qua. Sau khi khảo sát ý kiến, đa số người dân tán thành việc di dời đến một nơi ở mới sạch sẽ, tiện nghi hơn.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Tuấn, khó khăn hiện nay là hầu hết các hộ dân sinh sống tại đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ và xây dựng nhà trên công trình di tích... nên theo quy định hiện hành đối với trường hợp này không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Mặt khác, phần lớn các hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đời sống khó khăn, lao động phổ thông nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để dân có điều kiện xây dựng nhà tái định cư và ổn định cuộc sống.
Hiện các hộ dân sinh sống khu vực Kinh thành Huế nhếch nhác, tạm bợ, đi lại khó khăn |
Được biết, trong giai đoạn từ 1996-2018, Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện di dời được 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích, như: Eo bầu phía Nam Kinh thành, hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ, thượng thành… Tuy nhiên, sự gia tăng dân số tự nhiên đã tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích chưa được di chuyển dân cư.
Di tích Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long, vua Minh Mạng (năm 1805-1833). Đây là quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là tài sản văn hóa vô giá của quốc gia và đây còn là kinh đô phong kiến phương Đông còn lưu giữ được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường… rộng hơn 500ha bao gồm nhiều hạng mục như: hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài (mang cá nhỏ) và 10 cổng thành.