Thừa Thiên Huế: Kịp thời quan tâm, hỗ trợ người dân khó khăn vùng ngập lụt
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thọ - ghi nhận và đánh giá cao việc UBND TP. Huế đã huy động nguồn lực cũng như lực lượng phụ nữ, thanh niên, công an, dân quân tự vệ… để tổ chức đóng gói và vận chuyển hơn 3.000 suất quà, mỗi suất gồm mỳ ổ, xúc xích, sữa, nước uống đóng chai để kịp thời cung ứng cho người dân tại các khu vực bị ngập sâu, vùng rốn lũ của tỉnh.
Ông Thọ cho rằng, việc UBND TP. Huế huy động nguồn lực để tặng quà cho người dân vùng lũ lụt trong thời điểm này là rất thiết thực, góp phần giúp người dân vùng lũ vượt qua được những khó khăn trước mắt về lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các hộ dân ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng như: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang… “Các phần quà hỗ trợ cần sớm được đưa đến tận tay người dân, sớm được ngày nào, tốt ngày đó”.
Nhấn mạnh diễn biến mưa lũ còn phức tạp và lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của bão số 6, do đó, các cấp, các ngành, người dân không được chủ quan, lơ là; ngoài phương châm “4 tại chỗ”, các cấp, các ngành cần lưu ý đến phương châm “tự quản tại chỗ”, không để sơ suất xảy ra gây những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản, cùng với đó, chuẩn bị dự trữ lương thực thực phẩm để phòng chống mưa lũ kéo dài, chia cắt.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phát gạo và mì tôm cứu trợ người dân vùng lũ |
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đi đến các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, TX. Hương Trà, TP. Huế chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại các khu vực xung yếu, thăm hỏi, động viên, tặng quà người dân vùng ngập lụt.
Tại khu vực Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, TP. Huế, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh đã ân cần thăm hỏi động viên bà con nhân dân. Đồng thời đề nghị mọi người tuyệt đối không được chủ quan mất cảnh giác trước tình hình lũ lụt đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc về người.
Đến xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng lũ lụt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cùng các thành viên trong đoàn đã biểu dương, động viên lực lượng túc trực ứng phó với mưa lũ tại địa phương. Ông Định nhấn mạnh, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cần nâng cao tinh thần chủ động, bám sát địa phương để kịp thời ứng cứu cho người dân. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các nhu yếu phẩm cần thiết để kịp thời hỗ trợ cho người dân trong điều kiện mưa lũ kéo dài, nhất là quan tâm đến các đối tượng người già, neo đơn. Đồng thời tăng cường tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn, triển khai các phương án ứng phó mưa lũ khẩn cấp.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao hơn 1.500 thùng mì tôm, 700 thùng nước suối và một số nhu yếu phẩm khác giúp bà con nhân dân vùng thấp trũng.
Hiện, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo 3 doanh nghiệp có ký hợp đồng dự trữ hàng phục vụ bão lụt, gồm Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa thiên Huế, Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh và Công ty TNHH DV&TM Hoàng Đạt vận chuyển hàng đến các địa phương và giao UBND các huyện, thị xã phân bổ hàng cứu trợ đến cho người dân.
Nhiều nơi tại Thừa Thiên Huế đến sáng nay vẫn còn ngập sâu trong nước |
Tại Thừa Thiên Huế vào sáng 12/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh này cho biết, lũ trên sông Bồ đang lên và đã đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Theo đó, mực nước tại sông Bồ đo được vào lúc 3 giờ 30 sáng ngày 12/10 đạt đỉnh +5,18m, tương đương lũ năm 1999. Còn tại sông Hương đạt đỉnh +4,17m và đang xuống chậm.
Lượng nước đổ về các hồ, đập ở Thừa Thiên Huế đang rất lớn: hồ Hương Điền 3.147 m3/s, Bình Điền 2.360 m3/s, A Lưới 1.225 m3/s, Tả Trạch 3.528 m3/s. Hiện nay, các hồ đập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn an toàn. Nhiều nơi tại Thừa Thiên Huế đến sáng nay vẫn còn ngập sâu trong nước, giao thông gần như bị tê liệt.