Thừa Thiên Huế: Còn nhiều khó khăn trong phát triển sản phẩm làng nghề
Nhiều chính sách hỗ trợ nghề, làng nghề truyền thống
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tỉnh có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ được phân bố trên 123 địa điểm, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận 37 nghề, làng nghề truyền thống, cụ thể: 7 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 20 làng nghề truyền thống tại 8 huyện, thị xã và thành phố Huế. Dự kiến tháng 10/2024 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ công nhận nghề truyền thống mứt gừng Kim Long và nghề rèn Bao Vinh.
Sản xuất mứt gừng Kim Long |
Trao đổi với Báo Công Thương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế Lê Văn Anh cho biết, để có được kết quả đó, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, chính sách phát triển nghề truyền thống, làng nghề. Cụ thể, quyết định về việc quy định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế; kế hoạch Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030; quyết định ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc nhóm đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2022-2025 và các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025…
Còn nhiều khó khăn đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế Lê Văn Anh thông tin, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc sản xuất tại làng nghề có quy mô hộ gia đình không đăng ký kinh doanh là chủ yếu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiết bị công nghệ lạc hậu; năng lực trình độ tổ chức sản xuất còn yếu, thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất. Do đó, một số làng nghề hiện đang hoạt động cầm chừng, khó khôi phục; thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề ngày càng bị thu hẹp, sản phẩm làng nghề không có sức cạnh tranh với các sản phẩm thay thế hoặc hàng ngoại nhập nên người lao động bỏ nghề, chuyển đổi sang nghề khác, làng nghề hoạt động khó khăn.
Mặt dù được đầu tư máy móc, sản phẩm tinh xảo, đẹp, tuy nhiên việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm làng nghề gặp khó khăn |
Bên cạnh đó, năng lực xúc tiến thương mại của các sản phẩm làng nghề còn yếu, chưa theo kịp với nhu cầu thị trường. Một số nghề, làng nghề truyền thống như: Gốm Phước Tích, Phong Hòa; Rèn Hiền Lương, Phong Hiền; chài lưới… chỉ mang tính chất tượng trưng bảo tồn nghề truyền thống, phục vụ du lịch trong một số hoạt động sự kiện; không thu hút nhiều hộ, lao động tham gia và mang lại hiệu quả kinh tế không cao.
Ngoài ra, đối với một số ngành nghề mang tính chất phục vụ du lịch, việc xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm, trình diễn nghề phục vụ du lịch còn khá hạn chế. Việc triển khai gắn kết du lịch với phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn chưa thực hiện và đầu tư đúng mức. Cơ sở hạ tầng giao thông, điện, công nghiệp... phát triển chưa đồng bộ, công tác đầu tư phát triển hạ tầng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng cho các cụm công nghiệp, làng nghề ở các huyện và thị xã.
Theo ông Lê Văn Anh, nguyên nhân chính là hiện nay cạnh tranh thị trường khốc liệt mà các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn chưa thể đáp ứng. Lao động trẻ tại địa phương hoặc lao động có trình độ thường không mặn mà, nhiệt huyết với nghề, làng nghề. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình, quy mô nhỏ. Do đó, khó khăn trong tiếp cận tín dụng cũng như đầu tư khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
“Thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với chương trình OCOP và du lịch nông thôn. Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn như tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế Lê Văn Anh nhấn mạnh.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 87 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó: 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm: Bún bò Huế, gia vị hoàn chỉnh), 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao; 65 sản phẩm đạt 3 sao. |