Thừa Thiên Huế: Chủ động ứng phó với bão Yinxing
Chiều ngày 7/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Thừa Thiên Huế phát đi công văn gửi Ban Chỉ huy PCTT các cơ quan, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố Huế và các chủ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trong tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão gần biển Đông (Yinxing) và gió mạnh trên biển.
Bão Yinxing có thể gây mưa lớn, gió mạnh, nước biển dâng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Theo tin dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, hồi 13 giờ ngày 7/11/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 122,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/h), giật trên cấp 17. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15 km/h. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7.
Từ đêm 7/11/2024, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm 6-8m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng biển này có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Từ ngày 11/11/2024, các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế cần đề phòng hoàn lưu bão gây gió mạnh, sóng lớn, triều cường và nước dâng, dông, sét.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão, gió mạnh trên biển, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 8365/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 6/11/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ứng phó với bão gần biển Đông (Yinxing).
Theo dõi sát diễn biến của bão, gió mạnh, sóng lớn trên biển, mưa lớn trong những ngày tới được cập nhật trên trang thông tin Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, trang Facebook Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ứng dụng Hue-S.
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, bãi ngang ven biển) biết diễn biến bão, gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa bão.
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ kiểm tra các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; tiếp tục chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ cho các đợt mưa lớn trong những ngày tới; trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.