Thừa Thiên Huế: 6 nhiệm vụ cho kế hoạch triển khai và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đến năm 2025
Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025 là: Đáp ứng 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của 50 - 70 cơ sở/doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, các đặc sản của địa phương dựa trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR và công nghệ mã số mã vạch. Tư vấn, hướng dẫn xây dựng 20 tiêu chuẩn cơ sở về truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tài liệu hướng dẫn áp dụng tại cơ sở sản xuất cho từng nhóm sản phẩm cụ thể. Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số mã vạch tại Thừa Thiên Huế có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế...
Thanh trà Huế được dán tem truy xuất nguồn gốc |
Trong đó, tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong toàn tỉnh: Khảo sát, tư vấn, hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm để tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch tại doanh nghiệp dựa trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR và công nghệ mã số mã vạch. Hỗ trợ xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể. Mở rộng triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa đặc thù trong tỉnh như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và một số sản phẩm đặc sản của địa phương. Qua đó, thực hiện đồng bộ từ nguyên liệu - xưởng sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, phân phối sản phẩm và theo hệ thống mã hóa điện tử.
Đồng thời, thiết lập, xây dựng, vận hành phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh: Xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm để phục vụ việc cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở kết nối thông tin với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Kết nối cơ sở dữ liệu hệ thống truy xuất nguồn gốc của đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, trang thông tin điện tử của tỉnh.