Thủ tướng: Đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của dân
Chủ động cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện
Ngày 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối và phương án bảo đảm cung ứng điện trong thời kỳ cao điểm năm 2024, 2025 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc ước đạt 124,2 tỷ kWh, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2023. Điện thương phẩm ước đạt 110,24 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW (ngày 27/4), tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng điện ngày lớn nhất đạt 993 triệu kWh (ngày 26/4).
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn các tháng đầu năm không thuận lợi, để tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Kết hợp giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung hỗ trợ cho miền Bắc, cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, bảo đảm đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước.
Thời gian tới, theo Bộ Công Thương, hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm 2024.
Cơ sở của điều này là việc chủ động trong chuẩn bị cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện. Tổng lượng nước hiện có trong các hồ thủy điện quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỷ kWh, đây là nguồn dự phòng về điện năng cho thời gian cao điểm sắp tới.
Về cân bằng công suất, miền Trung và miền Nam đáp ứng được cân bằng công suất. Tuy nhiên, miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (tháng 6 - 8) trong trường hợp các yếu tố bất lợi xuất hiện đồng thời.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn điện
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh trong quý I và tháng 4, 5 năm 2024 chuyển biến tích cực, điều này sẽ kéo theo nhu cầu điện năng tăng cao.
Dự báo, nhu cầu điện cả năm tăng khoảng 9%, nhưng mấy tháng vừa qua đã tăng 13%, nhu cầu điện miền Bắc lúc cao điểm tăng tới 17% so cùng kỳ. Đến thời điểm này, nhờ rút kinh nghiệm của năm 2023, các cơ quan đã điều hành tốt hơn, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu điện, nhất là vượt qua được thử thách trong tháng 4 nóng nhất trong lịch sử vừa qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nỗ lực hơn nữa, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, dự báo sát tình hình, chuẩn bị phương án cao nhất, sẵn sàng với khả năng xấu nhất có thể xảy ra, để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thời gian tới, đặc biệt là trong tháng 6/2024 khi dự kiến cuối tháng 6 đường dây 500kV mạch 3 mới hoàn thành.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo - Ảnh minh hoạ |
Dự kiến năm nay tiêu thụ trên 300 tỷ kW giờ, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục đa dạng hóa các nguồn điện; chủ động chuẩn bị cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là nhiên liệu than, khí; trong đó sử dụng tối đa than trong nước vừa đảm bảo chủ động cung ứng than cho điện, tiết kiệm ngoại tệ và tạo việc làm cho trong nước, đồng thời kiểm soát thật tốt, chống tiêu cực, nhất là chống nhập khẩu, khai thác than lậu; tích nước các hồ thủy điện, điều phối nước hài hòa, hợp lý phục vụ cho sản xuất điện và sản xuất nông nghiệp, chống lũ.
Cùng với đó, phải có cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng các đường dây tải điện, trong đó khuyến khích các nguồn lực theo hình thức công tư, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tổ chức điều phối tốt, khai thác các nguồn điện hài hòa, hợp lý, hiệu quả, cả nguồn điện trong nước và nhập khẩu.
Xem xét tính giá điện phù hợp, vừa khuyến khích huy động mọi nguồn lực vào đầu tư, vừa đảm bảo khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về kế hoạch, phương pháp phân phối điện, hướng dẫn người dân tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu EVN, Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời công bố thông tin chính thống, chính xác, bác bỏ các thông tin không chính xác về cung ứng điện để người dân, doanh nghiệp yên tâm, như vừa qua đã khẳng định thông tin kêu gọi một số doanh nghiệp ở phía Bắc tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện là không chính xác.