Chủ nhật 29/12/2024 08:21

Thu ngân sách ngành Hải quan năm 2021 vượt dự toán

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa do ngành hải quan quản lý và thực hiện trong năm 2021 vẫn đạt vượt mức dự toán được giao.

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 của Tổng cục Hải quan, diễn ra sáng ngày 27/12/2021, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết: Năm 2021, ngành hải quan được giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội là 315.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính giao phấn đấu thu ở mức cao hơn là 335.000 tỷ đồng. Mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nhiều khó khăn, ngành hải quan đã có nhiều nỗ lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó tổng thu NSNN năm 2021 từ hoạt động xuất nhập khẩu ước vẫn đạt khoảng 370.000 tỷ đồng, tăng 17,46% so với dự toán theo Nghị quyết của Quốc hội và tăng 10,45% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân số thu ngân sách do ngành hải quan thực hiện tăng, được đánh giá là chủ yếu do một số mặt hàng có số thu lớn giá tăng mạnh làm trị giá nhập khẩu tăng, qua đó kéo theo số tăng thu cho NSNN. Chẳng hạn, do yếu tố giá tăng nên thu từ dầu thô xuất nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu, khí đốt hóa lỏng nhập khẩu đã tăng khoảng 7.500 tỷ đồng; thu từ sắt thép, quặng sắt, các sản phẩm sắt thép nhập khẩu tăng khoảng 11.700 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu tăng khoảng 3.900 tỷ đồng; quặng và khoáng sản nhập khẩu tăng thu khoảng 3.000 tỷ đồng; than nhập khẩu tăng thu khoảng 3.600 tỷ đồng; lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu tăng gấp 1,6 lần làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 14.300 tỷ đồng; nhiều dự án điện mặt trời, điện gió được triển khai cũng đã làm tăng thu đột biến từ linh kiện, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án khoảng 8.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thu NSNN là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành hải quan, nên ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, chống thất thu NSNN; nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan; triển khai quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại, chống thất thu... Tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; phối hợp với các cơ quan thuế nội địa và các lực lượng khác đấu tranh ngăn chặn việc gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng. Tích cực thu hồi nợ thuế, đẩy mạnh quản lý thuế, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp khai báo hải quan chưa đầy đủ tên hàng, chưa chính xác về mã số, chưa chính xác trong việc áp dụng biểu thuế, đơn vị tính... (ví dụ như các mặt hàng vàng xuất khẩu, vải không dệt, đá xuất khẩu...) và đã thu được 62,5 tỷ đồng.

Ngành hải quan tổng kết công tác năm 2021

Năm 2022, Tổng cục Hải quan đã được Quốc hội giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng. Dự toán năm 2022 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6%-6,5%; giá dầu thô 60 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu có thuế tăng 8,1%, kim ngạch nhập khẩu có thuế tăng 6,6%.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết: Năm 2022 sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào NSNN ở mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu NSNN ngay từ đầu năm 2022; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu NSNN.

Thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; rà soát, kiểm tra và phát hiện những vi phạm trong lĩnh vực phân loại hàng hóa, xác định trị giá hay xuất xứ của hàng hóa, từ đó thực hiện truy thu, ấn định thuế, góp phần tăng thu NSNN.

Phối hợp các đơn vị chủ trì triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 về thuế giá trị gia tăng và các văn bản pháp luật về thuế có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu. Phối hợp rà soát, xây dựng các biểu thuế ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, thông thường, các danh mục quản lý chuyên ngành… để điều chỉnh kịp thời về chính sách, đảm bảo các cam kết và phù hợp với chính sách chung, thực thiện đúng theo danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam phiên bản 2022. Xây dựng Đề án cải cách quản lý trị giá hải quan. Tiếp tục theo dõi, xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai hệ thống miễn, giảm hoàn điện tử. Kiểm soát chặt chẽ Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, chương trình công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế, tăng số lượng ngân hàng phối hợp thu và nộp thuế điện tử 24/7.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành hải quan đã thực hiện tốt nhiệm vụ, số thu NSNN thực hiện vượt dự toán là một nỗ lực rất lớn khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy do tác động của dịch bệnh, ngành hải quan vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, chống buôn lậu và gian lận hương mại...

Bà Mai cho rằng, năm 2022 tình hình kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành hải quan phải tiếp tục nỗ lực hơn trong việc tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan..., đồng thời vẫn phải có những giải pháp đảm bảo thu đúng, thu đủ được các khoản thu phát sinh từ hoạt động xuất nhập khẩu vào NSNN để góp phần cho NSNN có thêm nguồn phục vụ chi cho các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, xã hội... của đất nước.

Ngọc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Động thái mới nhất của nhà điều hành về quản lý thị trường vàng

Phú Thọ Land huy động thành công 950 tỷ đồng từ trái phiếu

Xác thực sinh trắc học ‘giờ G’ đã đến

VNDirect: Nhu cầu tín dụng tăng tốc, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động dịp cuối năm

Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam là quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất khu vực châu Á

Nam A Bank – Ngân hàng đầu tiên phối hợp Napas triển khai dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay

Global Banking & Finance Review trao tặng 2 giải thưởng bán lẻ cho VietinBank

Cổ phiếu CTC đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Cổ phiếu HHV: Nhiều triển vọng bứt phá năm 2025

Sang tuần, UPCoM đón thêm 'tân binh' là công ty hóa chất 45 năm tuổi

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào