Thu hút khách quốc tế từ hợp tác hàng không - du lịch
Sáng 25/4 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra Hội thảo “Hợp tác hàng không- du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế” do Báo Văn hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng; cùng sự tham dự của khoảng 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện các hiệp hội du lịch, hàng không; các chuyên gia…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, đây là hội thảo kết nối ngành Du lịch với Hàng không đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là với các dự báo trong năm 2023 và những năm tới, ngành Du lịch sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm đã nêu quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm bớt những quy trình thủ tục rườm ra, phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch phát triển.
Đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, hạn chế tối đa tình trạng các cá nhân, đơn vị xâm phạm đến tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng khách du lịch Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với sự nhận định của các chuyên gia, chia sẻ thẳng thắn của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, doanh nghiệp vận tải đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không, Hội thảo kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, nút thắt đang gặp phải của các hãng hàng không, các hãng lữ hành trong nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến; hình thành các sản phẩm hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2023. |
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, lượng khách du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Năm 2022, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt (3,5 triệu lượt) 70% so với kế hoạch đề ra và bằng 19% so với kết quả năm 2019. Trong khi đó, quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2.699.500 lượt, mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Năm 2023, bên cạnh sự trở lại “ngoạn mục” sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. “Để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhìn nhận.
Theo đó, nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường hợp tác hàng không với du lịch trong thời gian tới, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề xuất cần triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam; Phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; Tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa ngành Hàng không và Du lịch.
Theo ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, xu thế chủ yếu của vận tải hàng không sau đại dịch vẫn là tiếp tục tự do hoá vận tải hàng không; giảm thiểu sự bảo hộ, kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động vận tải hàng không thông qua việc tư nhân hoá, cổ phần hoá các hãng hàng không; liên kết, liên minh giữa các hãng hàng không lớn với mục đích tận dụng các lợi thế của nhau về thị trường, mạng dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành thông. Bên cạnh đó, việc khai thác các cảng hàng không thứ cấp cũng sẽ được nhiều hãng hàng không quan tâm vì tiết giảm được chi phí, nhận được sự hỗ trợ của các địa phương.
“Đối với ngành hàng không Việt Nam, việc mở rộng phạm vi hoạt động khai thác, mở rộng thị trường mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá giữa Việt Nam và thế giới cũng như giữa các vùng miền Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại, đầu tư và đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch”, ông Bùi Minh Đăng nhận định và cho rằng: Việc các hãng hàng không Việt Nam tăng cường khai thác vào các thị trường ngách, các thị trường du lịch tại các địa phương có các cảng hàng không quốc tế thứ cấp; chưa được khai phá bởi các hãng hàng không hiện hữu là một xu thế tất yếu khi các thị trường truyền thống đã có các hãng không khác khai thác với mức độ cạnh tranh cao và trong bối cảnh còn gặp khó khăn về hạ tầng tại các cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.