Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 667/QĐ-TTg nhằm phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2021-2030. Trong đó nêu rõ quan điểm thu hút FDI giai đoạn 2021-2030, bao gồm: Quán triệt các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Thu hút FDI giai đoạn 2021-2030 phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Gắn thu hút FDI với xây dựng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ trên tinh thần quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thu hút FDI giai đoạn 2021-2030 phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) |
Tập trung thu hút FDI giai đoạn 2021-2030 cần có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khu vực, thị trường đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào các thị trường nhiều rủi ro và tiềm ẩn tranh chấp; ưu tiên kết nối sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến.
Đặc biệt, xây dựng và hình thành nhận thức, “Hợp tác cùng phát triển”, tăng cường kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia để cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, hàm lượng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Về mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 667/QĐ-TTg nêu rõ, mục tiêu tổng quát là thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả tích cực, kết nối sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ kiến thức quản lý, văn hoá doanh nghiệp của khu vực FDI; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm nội địa; thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong nước, xác định và tăng cường vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong thu hút, sử dụng dòng vốn FDI, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI trong phát triển kinh tế, xã hội, tương ứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng…
Mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2021-2030 là tăng sự hiện diện của các tập đoàn thuộc top 500 thế giới tại Việt Nam |
Đặc biệt, mục tiêu cụ thể trong thu hút FDI giai đoạn 2021-2030 là, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực trong tổng số vốn FDI cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm: Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines; Châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; Châu Mỹ: Hoa Kỳ.
Tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam.
Quyết định cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI, Quyết định 667/QĐ-TTg yêu cầu triển khai hiệu quả các giải pháp đã ban hành, trong đó có Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030.
Đồng thời với đó, để thu hút FDI giai đoạn 2021-2030, cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tập trung cải thiện các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ và Diễn đàn kinh tế thế giới; tập trung vào các chỉ só còn thấp về thể chế, cơ sở hạ tầng và thị trường hàng hoá.
Trong đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp liên quan đến thể chế, cơ sở hạ tầng, thị trường hàng hoá, tiến tới đang dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế đem lại từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)…
Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI giai đoạn 2021-2030, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nghiên cứu tiếp tục cắt giảm ngành nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư theo quy định pháp luật. |