Nhiều bất cập
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, Điều 79 của Luật BVMT quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nguyên tắc: Người xả thải phải trả phí, phí được tính dự trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Ngày 10/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08) trong đó có quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn và đơn giá cho nội dung trên.
Tại chương trình tọa đàm với chủ đề “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, nhiều ý kiến của công ty môi trường đô thị các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh đã đề cập đến các vấn đề xung quanh công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Đề cập giá dịch vụ, đại diện Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định 2239/QĐ-UBND quy định khi giá đầu vào (như tiền lương, giá xăng, giá dầu) quy định tại quyết định này có biến động liên tục kéo dài trong thời hạn 60 ngày gây chênh lệch giá lớn làm đơn giá (chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt) giảm 10% hoặc tăng 20% trở lên hoặc chính sách nhà nước về tiền lương, quản lý, xây dựng đơn giá dịch vụ công ích thay đổi thì Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.
Còn theo ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, phí môi trường đang thu tại khu vực nội thành Hà Nội là 6/000 đồng/người/tháng và 3.000 đồng với ngoại thành. Tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh mức thu dao động từ 16.500 đồng đến 22.000 đồng /hộ gia đình/tháng. Mức này chỉ tương đương 15% chi phí thu gom, vận chuyển, mức phí này chưa có chí phí xử lý, trong khi giá xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 không ngừng tăng và tăng trên 80% so với cuối năm 2021.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thu phí chất thải rắn sinh hoạt, ông Hikedi Wada – chuyên gia đến từ Công ty TNHH Quy hoạch Chất thải Việt Nam - cho biết, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống PAYT hay còn gọi Hệ thống phân phối túi trả trước, hệ thống phân phối túi đa dạng và khác nhau tùy theo địa phương và phải đảm bảo 3 loại phí: Quản lý- dịch vụ và chi phí sản xuất và được chính quyền địa phương quản lý kiểm soát các mức phí này.
Ông Hikedi Wada cũng gợi ý đối với Hà Nội hoặc các đô thị khác của Việt Nam có thể đưa ra các mức giá bán túi đựng rác cho khu vực nông thôn và thành thị riêng và căn cứ trên tỷ lệ rác đốt được và rác không đốt được.
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên- Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - cho biết: Công tác này rất nhạy cảm và phức tạp nhất là các khu du lịch, khu đông người…Thế nào là tính đúng, tính đủ? Việc tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo phương pháp nào?… Những khu vực du lịch, đông dân cư thì tính toán thế nào để đảm bảo sự công bằng cho các bên tham gia.
Tại buổi tọa đàm các chuyên gia và các doanh nghiệp môi trường tại các địa phương đã đưa ra các kiến nghị gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan về các vấn đề như: Cần sớm ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện; cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị…