Thống kê đến 7h00 ngày 13/9, gần 1.900 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi do bão Yagi
Siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp thủy sản
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, siêu bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp thuỷ sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng... Ước tính sơ bộ, tổn thất về tài sản của các nhà máy ít nhất 300 - 400 triệu đồng, có nhà máy thiệt hại 1 - 2 tỷ đồng; thậm chí có nhà máy tổn thất quá lớn, tới gần 100 tỷ đồng.
Siêu bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp thuỷ sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng... Ảnh: VASEP |
Nhiều nhà xưởng bị tốc mái, hệ thống điện bị hư hỏng, hàng đông lạnh bị ảnh hưởng vì mất điện... Có nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động 5 - 7 ngày, có nhà máy tổn thất nặng nề hơn, phải mất 20 ngày trở lên để sửa chữa, khắc phục cơ bản cho hệ thống sản xuất trở lại...
Ngoài ra, cơ sở nhà xưởng, thiết bị, máy móc, điện, nước bị hư hỏng, đình trệ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng lại làm ảnh hưởng đến đơn hàng và nguy cơ bị khách hàng phạt tiền là những tổn thất về cơ hội kinh doanh chưa thể tính được hết.
Công ty TNHH Việt Trường bị thiệt hại rất lớn sau bão số 3. Ông Nguyễn Trường - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Việt Trường - cho biết, công ty có 3 nhà máy thì 2 nhà máy số 2 và số 3 thiệt hại rất lớn. Tổng thiệt hại của cả công ty (gồm 3 nhà máy) khoảng 100 tỷ đồng và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và bị chậm thời hạn giao hàng đến khách hàng.
Tại nhà máy số 2, có 5 xưởng sản xuất đã bị thiệt hại rất lớn: 2 kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị bị tốc mái và đổ hoàn toàn, bao bì bị ướt hỏng hết; hệ thống mái và tường của các xưởng khác đều bị bong tróc và bay mái nhiều chỗ. Đặc biệt, khu xưởng hệ thống máy điện của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ thống máy phát điện chính của nhà máy bị đánh hỏng hoàn toàn nên không có điện cho toàn bộ nhà máy.
Hệ thống ống hơi của lò hơi cũng bị bão đánh bẻ gãy. Nguyên liệu công ty nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng (và chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng) vì hiện tại điều kiện tại nhà máy không đảm bảo để công ty đưa nguyên liệu về.
Dự tính công ty phải ngưng sản xuất khoảng 20 ngày để thu dọn nhà máy để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm nhà xưởng và phải chờ có đủ điện nước mới quay lại sản xuất được.
Nhà máy số 3 của công ty cũng bị thiệt hại lớn như nhà máy số 2, hệ thống máy phát điện chính cũng bị đánh hỏng hoàn toàn. Hệ thống mái tôn tại các nhà xưởng cũng bị bay, gãy nhiều.
Siêu bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho các DN thuỷ sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng... Ảnh: VASEP |
Xưởng sản xuất của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh bị bay một phần mái tôn, xưởng đá bị bay hoàn toàn mái tôn, bị lật 400 - 500m2. Ông Đỗ Quang Sáng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh - cho biết, trước mắt, ước tính công ty bị thiệt hại cơ sở vật chất khoảng gần 2 tỷ đồng, chưa kể đến thiệt hại do công ty phải tạm dừng sản xuất 4 - 5 ngày để dọn dẹp toàn nhà máy. Thiệt hại sau bão cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và giao hàng cho khách hàng.
Ông Nguyễn Tiến Thắng - Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam tại Hải Phòng - cho biết, ước tính thiệt hại của Chi nhánh khoảng hơn 400 triệu đồng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc STP Group - cho biết, khu vùng nuôi của công ty tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Các thiết bị computer công ty gắn tại các lồng nuôi đều bị đánh chìm và không hoạt động được. Công ty bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40kg/con cũng bị trôi. Ước thiệt hại của công ty khoảng gần 10 tỷ đồng.
Gần 1.900 lồng bè tiền tỷ bị cuốn trôi
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thống kê theo báo cáo của các địa phương về một số thiệt hại bước đầu đến 07h00 ngày 13/9/2024, trong đó, riêng lĩnh vực thủy sản, đã có 1.848 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300...).
Siêu bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho các DN thuỷ sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng... (Ảnh: VASEP) |
Tại cuộc họp thông tin nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số giải pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 Yagi, chiều 9/9, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản - cho biết, vùng nuôi trồng thuỷ hải sản, do bão quá lớn càn quét khiến Hải Phòng, Quảng Ninh mất điện diện rộng ảnh hưởng đến nuôi tôm. Ở Cát Bà (Hải Phòng) đến nay vẫn chưa tiếp cận được con số thiệt hại. Trong khi, tại Quảng Ninh các dây hàu nuôi bị đứt hết, vùng nuôi hàu cơ bản hỏng. Đặc biệt, lồng nuôi hải sản ở vùng biển hở bị hư hỏng, cuốn trôi gây thiệt hại nặng cho bà con ngư dân.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhấn mạnh, thiệt hại nuôi trồng thuỷ sản tại tỉnh Quảng Ninh rất nặng nề. Các lồng bè nuôi được làm bằng gỗ, tre nứa bị hỏng nặng, lồng bằng nhựa HDPE cũng bị cuốn trôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức ngay một hội nghị nuôi biển với các địa phương ở miền Bắc bị thiệt hại bởi bão Yagi để khắc phục hậu quả, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng bè. Đồng thời, đang kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành để có thể hỗ trợ bà con ngư dân về con giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thuỷ sản.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp vào cuộc nhanh chóng, đưa ra các giải pháp cụ thể để hướng dẫn địa phương, nông dân khắc phục sản xuất nông nghiệp. Bởi, đây không chỉ là sinh kế của hàng chục nghìn hộ nông dân mà còn là nguồn cung lương thực, thực phẩm lớn cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn biện pháp phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão. 1. Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nhưng còn khả năng phục hồi Hệ thống lồng bè bị hư hại nhẹ, lồng bè bị móp, méo, vật nuôi thuỷ sản sinh trưởng và phát triển bình thường, áp dụng ngay các biện pháp sau đây: Bước 1: Kiểm tra, sửa chữa, gia cố, vệ sinh lại hệ thống dây neo, phao, lồng lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Bước 2: Vớt cá chết và rác thải nếu có. Lưu ý, thu gon và xử lý rác đúng nơi quy định Bước 3: Di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi (nếu trước bão phải di chuyển lồng, bè để tránh bão). Nếu loài nuôi thuỷ sản đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. Thường xuyên theo dõi thủy triều, mức nước, màu nước, các yếu tố môi trường đảm bảo nhiệt độ từ 25 - 30 độ C; pH từ 6,5 – 8,0; oxy hòa tan ≥ 4mg/l Bước 4: Treo các túi vôi (15 - 20kg/túi) quanh các góc của lồng nuôi để vừa giúp ổn định các góc của lồng lưới, vừa giúp ổn định môi trường nước, phòng một số bệnh thường gặp trên thuỷ sản nuôi lồng bè. Bước 5: Sau 1 - 2 ngày bão tan, sức khoẻ loài nuôi ổn định tiến hành cho ăn từ từ, tăng dần cho đến khi sức khoẻ của thủy sản nuôi trở lại bình thường. Lưu ý, cần bổ sung thêm men vi sinh hỗ trợ tiêu hoá, vitamin B1, B3, B6 để giúp tăng sức đề kháng cho thuỷ sản nuôi. Bước 6: Phòng bệnh cho động vật nuôi thủy sản mùa mưa bão. - Thường xuyên quan sát tình trạng sức khoẻ của vật nuôi. Nếu điều kiện môi trường bất lợi cần dùng máy bơm tạo dòng chảy mạnh hoặc máy thổi khí để tăng oxy, giảm lượng thức ăn, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. - Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C, khoáng, men vi sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày để cá sinh trưởng, phát triển tốt. 2. Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn - Nhà ở, khung lồng bị gãy, lưới rách, phao, vật nuôi thuỷ sản bị cuốn trôi, chết hoàn toàn, cần tiến hành thu gom lại toàn bộ lồng bè hư hỏng để phân loại, tận dụng lại những thứ còn sử dụng được. Không để rác thải trôi nổi trên biển gây ô nhiễm môi trường. - Vật nuôi thuỷ sản bị chết cần được thu gom và xử lý kịp thời, không để lây lan dịch bệnh, ô nhiễm ra môi trường xung quanh. |