Người dân Quảng Ninh hưởng lợi từ rừng nhờ các chính sách ưu đãi Thị xã Quảng Yên: Hội đồng OCOP đánh giá kỹ lưỡng chất lượng 12 sản phẩm Quảng Ninh: Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch |
Bão số 3 (Yagi) đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề, khiến người dân nhiều vùng miền phải đối mặt với những khó khăn trong đời sống và sản xuất. Trong hoàn cảnh này, công tác an sinh đã trở thành trọng tâm, triển khai đồng bộ từ cấp xã đến các ban ngành và cộng đồng. Tại Quảng Ninh, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để giúp người dân tái thiết cuộc sống sau bão, thể hiện tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Gõ cửa từng nhà, đồng hành với từng hoàn cảnh
Với chị Bùi Thị Huyên (trú tại phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh), mảnh vườn gần 1ha trồng táo ngọt, mít và na là nguồn sống duy nhất cho gia đình. Dù bệnh tật đeo bám, chị vẫn nỗ lực từng ngày để chăm sóc khu vườn. Tuy nhiên, bão số 3 vừa qua đã làm mất trắng toàn bộ hoa màu, cây trồng và khu chuồng trại gia đình chị xây dựng bấy lâu. Không chịu khuất phục, chị Huyên và chồng đã nhanh chóng sửa chữa khu chuồng gà, cắt tỉa và vun xới lại từng gốc cây với hy vọng chúng sẽ sớm hồi sinh.
Cán bộ MTTQ TP Uông Bí và phường Quang Trung nắm tình hình thiệt hại do bão số 3 tại gia đình chị Bùi Thị Huyên. (Ảnh: quangninh.gov.vn) |
Chị Huyên xúc động kể về sự động viên từ các tổ công tác của MTTQ phường và thành phố. Họ không chỉ đến thăm hỏi mà còn hướng dẫn gia đình tiếp cận các khoản trợ cấp và hỗ trợ ưu đãi để phục hồi vườn và chuồng trại. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng sự đồng hành từ các cấp chính quyền và tình cảm của bà con hàng xóm đã trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình chị.
Tại thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, TP Hạ Long, bão số 3 và trận lũ sau đó đã gây thiệt hại lớn cho hơn 60 hộ dân. Tuy nhiên, toàn thể nhân dân đã được di dời kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng. Ngay khi nước rút, các hoạt động tổng vệ sinh, dọn dẹp tài sản được triển khai nhanh chóng, với sự tham gia tích cực của MTTQ và các đoàn thể. Những gia đình khó khăn, người già neo đơn, người bệnh được hỗ trợ nhu yếu phẩm và thuốc men một cách kịp thời.
Người dân thôn Đá Trắng và các lực lượng địa phương tham gia dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ. (Ảnh: Minh Đức) |
Ông Đàm Văn Hậu, Chủ tịch MTTQ xã Thống Nhất cho biết: "Chúng tôi luôn bám sát địa bàn, lắng nghe ý kiến người dân và phối hợp triển khai công tác hỗ trợ, khắc phục sau bão, tạo được niềm tin và sự ủng hộ từ bà con".
MTTQ Quảng Ninh đã thể hiện vai trò quan trọng khi tích cực tham gia vào công tác hỗ trợ người dân đối phó và phục hồi sau thiên tai. Các cán bộ không ngại khó, không ngại khổ, đi từng ngõ, gõ từng nhà để lan tỏa chủ trương khắc phục hậu quả bão lụt, nhanh chóng đưa các chính sách hỗ trợ vào đời sống thực tế.
Sự chung tay của cộng đồng đã mang đến cho người dân bị thiệt hại những nguồn động viên lớn lao. Trước lời kêu gọi từ MTTQ, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã quyên góp được 20,6 tỷ đồng tiền mặt và gần 660 triệu đồng hiện vật chỉ trong vòng 1 tuần. Đến giữa tháng 10, số tiền và hiện vật tiếp nhận đã đạt trên 102,4 tỷ đồng.
MTTQ Quảng Ninh là địa chỉ đáng tin cậy để cộng đồng gửi gắm những phần quà thiết thực, góp phần giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh, việc rà soát, phân bổ quỹ cứu trợ được tiến hành minh bạch, kịp thời và đúng quy định, ưu tiên các hộ nghèo, hộ khó khăn và bị thiệt hại nặng nề.
Để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, thông tin về số tiền và hiện vật đóng góp được cập nhật công khai trên các cổng thông tin của MTTQ, Báo Quảng Ninh, Truyền hình Quảng Ninh và trang Facebook của MTTQ Quảng Ninh. Việc công khai, minh bạch đã tạo được niềm tin vững chắc từ cộng đồng và được đông đảo người dân ủng hộ.
Đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ
Để sớm phục hồi cuộc sống sau bão, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, xây dựng và thông qua 5 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh khóa XIV. Các chính sách này bao gồm hỗ trợ chi phí trục vớt tàu thuyền bị chìm, hỗ trợ xây mới nhà ở bị hư hỏng nặng và miễn học phí cho trẻ em, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Mức chuẩn trợ giúp xã hội cũng đã được nâng lên 700.000 đồng/tháng, đảm bảo sự quan tâm sâu sắc đến các hoàn cảnh khó khăn.
CBCCVC ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão tại lễ phát động cấp huyện. Toàn bộ số tiền được chuyển đến quỹ chung do Ủy ban MTTQ tỉnh quản lý. (Ảnh: Quốc Nghị) |
MTTQ tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò giám sát, đảm bảo việc triển khai chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Các tổ chức tại địa phương như Hội Luật gia, Đoàn luật sư và Trung tâm Trợ giúp pháp lý cũng phối hợp với MTTQ, giúp tăng cường giám sát và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Trong nhiều năm qua, MTTQ Quảng Ninh đã tích cực thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp phần vào công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và hiệu quả. Hoạt động giám sát của MTTQ không chỉ mang tính nhân dân mà còn phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân. Các cán bộ MTTQ thường xuyên có mặt tại địa bàn, lắng nghe dư luận và ghi nhận ý kiến từ thực tiễn đời sống.
Cán bộ MTTQ phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) nắm tình hình hộ dân phải sửa chữa nhà ở bị hư hại do bão số 3. (Ảnh: quangninh.gov.vn) |
Với sự hỗ trợ của Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, các kiến nghị sau giám sát của MTTQ được đánh giá cao, là nguồn thông tin quan trọng cho cấp ủy và chính quyền trong công tác lãnh đạo và quản lý. Đây cũng là minh chứng cho vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội và góp phần thực hiện mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quyết tâm, lạc quan và niềm hy vọng chưa bao giờ tắt trong lòng những gia đình như chị Bùi Thị Huyên, các hộ dân thôn Đá Trắng, cho tới các hộ trồng rừng, nuôi biển, kinh doanh bị thiệt hại... Khó khăn vẫn còn đó, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, Quảng Ninh đang từng bước hồi sinh sau thiên tai, mang lại niềm tin và sự vững vàng trong cộng đồng.