Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung gặp trở ngại mới khi Chile đột ngột hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh APEC
Việc hủy bỏ này được Chile công bố vào sáng ngày 30/10 khi tình trạng bất ổn tiếp tục làm rung chuyển Santiago. Nhưng Nhà Trắng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hoàn tất thỏa thuận giai đoạn 1 trong những tuần tới. Không rõ liệu các quan chức Mỹ có thể tìm được địa điểm thay thế cho cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung hay không. Các nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 2019 cho biết, họ không có kế hoạch tổ chức sự kiện này ở nơi khác.
Các nguồn tin thân cận với đàm phán Mỹ - Trung cho biết, hai bên đang xem xét các địa điểm khác trong những tuần gần đây khi các cuộc biểu tình ở Chile leo thang gây ra việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh APEC. Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết, Mỹ muốn hoàn tất thỏa thuận thương mại lịch sử giai đoạn 1 với Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian đó. Triển vọng của một cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung tại Santiago vào tháng tới đã làm náo loạn thị trường khi các nhà đầu tư tìm kiếm dấu hiệu chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa hai quốc gia. Chỉ số S&P 500 của các cổ phiếu Mỹ trong một thời gian ngắn đã giảm xuống mức thấp sau khi có tin về cuộc họp APEC bị hủy bỏ.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã làm việc trong nhiều tuần để làm chi tiết hóa nội dung của một thỏa thuận hẹp giai đoạn 1 do Tổng thống Trump công bố sau cuộc họp tại Phòng Bầu dục ngày 11/10 với nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc - Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Cả hai bên gần đây cho biết họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong một thỏa thuận sẽ cho thấy Trung Quốc tiếp tục mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đưa ra các cam kết về sở hữu trí tuệ và tiền tệ, để đổi lấy cam kết từ chính quyền Tổng thống Trump về việc không áp dụng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng để kết thúc ngay cả công việc đó trong hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 16-17/11 ở Chile luôn được coi là một thách thức.
Trong khi đó giờ đây là một rào cản mới đối với cả chính quyền Tổng thống Trump và Trung Quốc, việc trì hoãn cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo khiến các nhà đàm phán có thêm thời gian. Nhưng thời hạn thay đổi cũng có thể làm giảm áp lực từ cả hai phía để cắt giảm thỏa thuận ban đầu và chuyển sang các cuộc đàm phán toàn diện hơn. Các chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế cho rằng, nếu hai bên có ý định ký kết một thỏa thuận giai đoạn một, việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh APEC chỉ là một vấn đề đau đầu về logistics. Tuy nhiên, nếu một hoặc cả hai bên không cảm thấy họ có thể đạt được thỏa thuận vào giữa tháng 11, việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh này là một lý do tuyệt vời để kéo dài thêm thời gian.
Rủi ro đối với các doanh nghiệp và thị trường tài chính là việc hủy bỏ cuộc họp APEC sẽ chỉ kéo dài sự không chắc chắn đã gây thiệt hại cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn thế giới. Điều đó có thể thúc đẩy Tổng thống Trump háo hức ký thỏa thuận và chứng minh cho cử tri ở Mỹ và thế giới thấy rằng thuế quan đã mang lại kết quả trong chiến dịch tái tranh cử của ông. Điều này làm cho các cuộc đàm phán cấp thấp hơn có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài mà không có kết quả cụ thể. Chính phủ Mỹ thường sẽ giúp Chile giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị để hội nghị thượng đỉnh có thể tiến hành, nhưng lần này Nhà Trắng không đưa ra động thái, trong khi, Tổng thống Trump đã nói nhiều lần lạc quan rằng thỏa thuận thương mại sẽ được hoàn tất tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Các nhà phân tích cho rằng, rủi ro ở đây là nếu hội nghị thượng đỉnh bị hoãn thì ít nhất điều đó cho thấy sự không chắc chắn của chiến tranh thương mại có thể kéo dài lâu hơn. Điều đó càng tăng nguy cơ có thể không bao giờ thấy giai đoạn hai hoặc giai đoạn ba và do đó, sự không chắc chắn về cơ bản sẽ không biến mất.