Thiếu khung pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp
Đây là lần đầu tiên một sự kiện bàn về các giải pháp và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp quy mô được diễn ra với mục tiêu có một chương trình hành động với các giải pháp kết nối nhằm tạo động lực, xung lực mới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều giải pháp phát triển bất động sản nông nghiệp đã được đưa ra tại Hội nghị |
Thời gian qua, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, những loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác.
Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội - chia sẻ, loại hình du lịch nông nghiệp được quy định trong Luật Du lịch năm 2017 còn khá mờ nhạt. Hoạt động du lịch nông nghiệp được lồng ghép, ẩn chứa trong các quy định chung về du lịch. Chưa quy định về chiến lược tổng thể, dài hạn về phát triển du lịch nông nghiệp. Loại hình du lịch nông nghiệp chưa được đề cập cụ thể trong các quy định về tài nguyên du lịch, về hoạt động du lịch; thiếu cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp,…
Do đó, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đề xuất, nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cần bổ sung một mục về phân khúc kinh doanh bất động sản du lịch nông nghiệp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Du lịch năm 2017 liên quan đến loại hình du lịch nông nghiệp.
Về vấn đề này TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, một trong các vấn đề quan trọng là sự đồng bộ về luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực: du lịch – bất động sản – nông nghiệp – với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Phát triển du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Việc triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả với kỳ vọng tạo ra bước ngoặt, sự chuyển biến tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, thực sự trở thành động lực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững khu vực nông thôn
Đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận, và gần 1.500 điểm du lịch khác đang hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn, khai thác đặc trưng đời sống, canh tác, văn hóa nông nghiệp.
Đây là những một tiềm năng vô cùng lớn, cần có sự khai thác hiệu quả và chỉ đạo, định hướng đúng đắn để phát triển du lịch nông thôn bền vững, nâng cao đời sống cho chính cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế địa phương.
Để phát triển du lịch nông thôn bền vững, tận dụng các tiềm năng, cơ hội, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái, du lịch nông thôn, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách bất động sản nông nghiệp, TS. Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) – cho rằng, các địa phương cần tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào; ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong sự kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu, trong đó có thị trường khách du lịch nội địa.
Đồng thời, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.