Thứ hai 18/11/2024 17:11

Thiếu đơn hàng mùa cao điểm: Hàng nghìn công nhân có nguy cơ mất việc

Hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô, chấm dứt hợp đồng lao động với hàng nghìn công nhân vì thiếu đơn hàng ngay trong mùa cao điểm.

Loạt doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất

Những ngày gần đây, liên tục có thông tin hàng nghìn công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động và có nguy cơ mất việc vì doanh nghiệp “đói” đơn hàng sản xuất. Cụ thể, cách đây vài ngày, Công ty TNHH Tỷ Hùng, doanh nghiệp sản xuất giày da xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động trong tổng số khoảng 1.800 lao động hiện có.

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn, công ty không có đơn hàng sản xuất. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Tiếp theo đó, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) cũng đã phải gửi đơn thông báo đến Sở Lao động - Thương binh- Xã hội TP. Hồ Chí Minh về phương án cắt giảm 1.400 lao động với lý do đơn hàng bị sụt giảm.

Hay tại Công ty TNHH An Giang Samho tỉnh An Giang, hàng nghìn lao động đang lo lắng trước bối cảnh doanh nghiệp này buộc phải thu hẹp sản xuất do bị sụt giảm mạnh đơn hàng sản xuất dẫn đến phải cắt giảm nhiều lao động.

Theo kế hoạch đến cuối năm nay, Công ty TNHH An Giang Samho sẽ tạm hoãn và cắt giảm hơn phân nửa tổng lượng lao động đang làm việc tại nhà máy ở khu công nghiệp Bình Hòa. Điều này có nghĩa khoảng hơn 5.300 người lao động trong tổng số gần 10.000 lao động tại doanh nghiệp ở tỉnh An Giang này sẽ mất việc làm hoặc tạm dừng công việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này.

Theo đó, từ tháng 10 đến tháng 12 tới, công ty gia công và sản xuất giày dép này sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1.700 – 3.200 công nhân mỗi tháng; không tái ký hợp đồng lao động với 646 người lao động hết hạn hợp đồng lao động trong 2 tháng cuối năm nay. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng chấm dứt hợp đồng lao động khoảng 2.7300 lao động làm việc dưới 12 tháng.

Không chỉ giảm lao động, Công ty TNHH Tashuan (KCN Tân Tạo, TP. Hồ Chí Minh), doanh nghiệp sản xuất linh kiện khuôn ép nhựa, đã phải thông báo tạm thời đóng cửa nhà máy do khó khăn trong sản xuất và cho người lao động nghỉ không lương 3 tháng từ ngày 7/11 cho đến khi có đơn hàng trở lại…

Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP. Hồ Chí Minh, cho biết thực tế nhiều doanh nghiệp sụt giảm 30-40% đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động. Việc này cũng khiến doanh nghiệp đau đầu vì nếu như đơn hàng tăng cao trở lại thì rất khó tuyển người lao động có tay nghề.

"Có doanh nghiệp phải giảm đến 30% lượng lao động của công ty. Mặc dù biết là việc cắt giảm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi đơn hàng trở lại nhưng muốn giữ cũng không được, do không có lương để trả cho người lao động khi tình hình khó khăn về đơn hàng đươc dự báo kéo dài đến giữa năm 2023, nên doanh nghiệp không thể "gồng" 8 - 9 tháng để giữ chân lao động", ông Quốc Anh nói.

Duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân

Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn cho biết, so với nhiều doanh nghiệp có lượng đơn hàng sụt giảm sâu, mức giảm của công ty ước khoảng 20%, lượng đơn hàng chỉ đủ cho công nhân làm việc 8 tiếng/ngày, trong khi lúc cao điểm trước đó người lao động phải tăng ca buổi tối và cuối tuần.

Theo ông Đức, trước đây những tháng cuối năm là thời điểm người lao động có cơ hội tăng ca thường xuyên, tăng thu nhập nhưng hiện giờ không còn được vậy do thiếu đơn hàng nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất để không phải cắt giảm lao động như nhiều doanh nghiệp phải làm.

Với doanh nghiệp dệt may, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh- cho hay: Các doanh nghiệp hiện nay chỉ cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng. Khi đèn trong xưởng không còn sáng nữa nghĩa là lúc doanh nghiệp không còn hàng để sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm và không có thu nhập.

Theo ông Hồng, từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn, nhất là Mỹ và châu Âu là thị trường lớn nhất.

"Giải pháp của doanh nghiệp là giảm số giờ làm và bố trí luân phiên làm việc, có thể người này bộ phận này làm việc tuần này thì tuần sau ngưng bộ phận khác làm, làm sao để người lao động luôn luôn có việc làm, có thu nhập, dĩ nhiên thu nhập của người lao động sẽ giảm”, ông Hồng chia sẻ.

Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp, do khó khăn đến từ những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật... do đó, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi, tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường khác như Australia, Canada hay một số nước trong khu vực Đông Nam Á...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, tại thị trường nội địa, dòng tiền của các doanh nghiệp đang chậm lại do tình hình khó khăn chung, sức mua của người tiêu dùng cũng kém hơn do lao động không còn nhiều việc làm; các ngành hàng khác sản xuất, kinh doanh và đầu tư khác cũng đều gặp khó. Ông Quốc Anh cho rằng việc quay về thị trường nội địa cũng không có nhiều kỳ vọng.

Trước tình hình cắt giảm lao động hàng loạt của các doanh nghiệp, mới đây lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm dịch vụ việc làm gặp trực tiếp đại diện các doanh nghiệp cắt giảm lao động, đồng thời phối hợp Phòng Việc làm - An toàn lao động, Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội phê duyệt phương án, có kế hoạch tổ chức tiếp xúc với công đoàn cơ sở, người lao động tại công ty thu hẹp sản xuất... để tổ chức lại lao động thông qua kết nối việc làm.

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lập tổ liên ngành để kiểm tra lại nhu cầu lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị có thông báo thiếu hụt đơn hàng, giảm đơn hàng trong quý VI/2022 và quý I/2023 để có phương án xử lý lao động từ sớm, tránh ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.

Trong khi đó tại Đồng Nai, hiện Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa, Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom… đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở bám sát tình hình thực tế đời sống người lao động và tìm giải pháp để sớm ổn định việc làm. Ngoài ra, đàm phán với chủ sử dụng lao động để người lao động không bị thiệt thòi, nhất là vấn đề tiền lương và phúc lợi.

Ngọc Thùy
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu

Tin cùng chuyên mục

Cuộc chiến của 'ông lớn' cà phê tại các thành phố du lịch Việt

Làm rõ trường hợp nào doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi giấy phép?

Lào Cai: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tặng bình lọc nước cho người dân huyện Bắc Hà và Bảo Yên

Siberian Wellness vinh dự nhận giải thưởng “Doanh nghiệp Vì Cộng đồng – Saigon Times CSR 2024”

Founder Nguyễn Gia Vinh dẫn dắt XNE Logistics chinh phục Đông Nam Á

Saigon Co.op khai trương đại siêu thị Co.opXtra Tạ Quang Bửu

Shopee mở rộng chuỗi kỷ lục ấn tượng tại siêu sự kiện mua sắm lớn nhất năm 11.11

Care For Việt Nam nhận danh hiệu ''Doanh nghiệp vì cộng đồng'' 2024

Thiếu thông tin và tài chính đang cản trở doanh nghiệp tiếp cận ESG

Petrovietnam phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024

FrieslandCampina chiến thắng giải thưởng “Chuỗi giá trị đổi mới bền vững 2024”.

Công nghệ đã dẫn lối thành công của FPT Long Châu như thế nào?

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường Halal

Công ty Coca-Cola Việt Nam: Đào tạo kinh doanh thương mại điện tử từ sản phẩm sơn mài truyền thống

Tháng tri ân khách hàng năm 2024 của EVN có gì đặc biệt?

CECO: Thẩm định, tư vấn đối với các dự án đóng vai trò quan trọng

Tập đoàn Nhựa Bình Thuận (BPG) tiên phong kiến tạo nguồn nguyên liệu bền vững

Chuyển đổi xanh: Con đường doanh nghiệp bắt buộc phải đi để phát triển bền vững

88 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành than: Phát huy sức mạnh nội sinh

Vinausteel: Hành trình 30 năm phát triển bền vững thương hiệu Quốc gia