Thứ ba 13/05/2025 05:04

Thiết bị tiết kiệm 50% tiền điện: Cẩn thận tiền mất tật mang

Thiết bị tiết kiệm điện chỉ vài trăm nghìn đồng được quảng cáo có thể giảm tới 50% hóa đơn, nhưng đằng sau lời mời gọi hấp dẫn ấy là hàng loạt rủi ro khó lường.

Mạo danh, ''thần thánh hóa'' thiết bị trôi nổi

Theo các chuyên gia, hiện nay trên thị trường không có thiết bị cắm trực tiếp nào được chứng minh có khả năng tiết kiệm điện năng. Phần lớn các thiết bị quảng cáo tiết kiệm điện trên nền tảng mạng xã hội hoạt động dựa trên nguyên lý khó kiểm chứng, nhiều sản phẩm chỉ là tụ điện đơn giản, không có vi mạch và không thể đo lường được hiệu quả tiết kiệm điện trên thực tế. Đáng chú ý, cho đến nay, sản phẩm này vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại Việt Nam kiểm định, cấp phép và xác nhận tính hiệu quả.

Tài khoản “Gia dụng 24h” ngang nhiên cắt ghép đưa hình ảnh biên tập viên nổi tiếng của Đài truyền hình Việt Nam vào trong clip quảng cáo lố về thiết bị tiết kiệm điện (Ảnh: Cắt từ clip quảng cáo).

Mặc dù chưa có cơ sở khoa học và chưa được cơ quan chức năng xác nhận hiệu quả của nó, các thiết bị tiết kiệm điện vẫn được quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện”, người dùng có thể thấy hàng trăm kết quả với đủ chủng loại sản phẩm, phần lớn được gắn mác “công nghệ Nhật”. Thậm chí, nhiều video quảng cáo còn cắt ghép hình ảnh hóa đơn tiền điện giảm mạnh sau khi lắp thiết bị này, đi kèm lời khẳng định như “bảo bối cho mùa hè nắng nóng”.

Trong một clip quảng cáo của tài khoản “Gia dụng 24h” trên nền tảng Facebook với hơn 7 triệu lượt xem, 15 nghìn lượt thích và hơn 5 nghìn bình luận được đăng tải gần đây khẳng định: “Thiết bị tiết kiệm điện nhập từ Nhật Bản sẽ giúp gia đình bạn giảm từ 40% đến 50% tiền điện hàng tháng”.

Tại clip này, "Gia dụng 24h" còn ghép hình ảnh hai MC của Đài Truyền hình Việt Nam vào nội dung quảng cáo với lời giới thiệu: “Các bác nhà mình ơi, đây là thiết bị tiết kiệm điện của Nhật Bản ký kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Chỉ với 150 nghìn đồng/chiếc, sẽ giúp tiết kiệm nửa số tiền điện hàng tháng. Tháng trước, nhà em chưa sử dụng thiết bị tiết kiệm điện này, tiền điện khoảng 2 triệu đồng. Sau khi sử dụng, hóa đơn tiền điện chỉ còn hơn 900 nghìn đồng/tháng. Do đó, thiết bị này siêu tiết kiệm điện”.

Một trang mạng khác còn ngang nhiên mạo danh gắn logo Tập đoàn Điện lực Việt Nam quảng cáo bán các thiết bị tiết kiệm điện trôi nổi (Ảnh: Cắt từ clip quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện).

Đáng chú ý, tài khoản “Điện lực miền Bắc - Thiết bị tiết kiệm điện” quảng cáo đã bán ra gần 5 nghìn sản phẩm còn ngang nhiên mạo danh khi sử dụng hình nền là logo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong một clip được đăng tải gần đây, trang này quảng cáo: “Sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, bật điều hòa chỉ hết 4 nghìn đồng tiền điện/đêm. Có cái này, các bác không phải lo về hóa đơn tiền điện trong mùa nắng nóng”.

Không chỉ mạo danh Tập đoàn Điện lực Việt Nam một cách thô thiển, các clip quảng cáo của những trang mạng xã hội này còn mâu thuẫn với nhau trong các nội dung đưa ra. Điều này thể hiện sự không trung thực, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng...

Nhiều mối nguy tiềm ẩn

Trước hàng loạt rủi ro tiềm ẩn về an toàn và pháp lý từ các thiết bị tiết kiệm điện không rõ nguồn gốc, việc nhận diện và nâng cao cảnh giác với loại sản phẩm này là điều hết sức cần thiết. Những lời quảng cáo “thần thánh” không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người tiêu dùng.

Các thiết bị tiết kiệm điện đang được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội khi thời tiết ở miền Bắc bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng (Ảnh: Cắt từ clip quảng cáo).

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, tình trạng quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện với những thông tin mập mờ, sai sự thật hoặc cường điệu hóa công dụng mà không có bất kỳ cơ sở khoa học hay chứng nhận thực tế nào từ cơ quan có thẩm quyền là hành vi cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm trực tiếp khoản 9, điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Đồng thời, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 về trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và cấm các hành vi lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Hậu quả pháp lý cho những vi phạm này có thể là các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP bao gồm: Phạt tiền, buộc tháo gỡ quảng cáo và cải chính thông tin. Trong trường hợp nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn hoặc thu lợi bất chính đáng kể, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Bên cạnh đó, việc quảng cáo mô tả cho thấy các thiết bị thường được bán dưới dạng hàng xách tay, nhập khẩu không chính ngạch, người bán không đăng ký kinh doanh và không xuất hóa đơn VAT. Điều này vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Thương mại 2005.

Sử dụng thiết bị tiết kiệm điện trôi nổi khiến người tiêu dùng đối diện với rủi ro về an toàn của thiết bị trước các nguy cơ cháy nổ và rò rỉ điện (Ảnh: Cắt từ clip quảng cáo).

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích: "Việc các thiết bị này chưa có cơ quan nào tại Việt Nam kiểm định, cấp phép hoặc xác nhận hiệu quả, độ an toàn thì khi sử dụng, người tiêu dùng sẽ đối diện với rủi ro về cháy nổ hoặc rò rỉ điện năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu quy mô và tính chất của hành vi lừa dối đủ lớn, nhằm chiếm đoạt số tiền của người mua từ 2 triệu đồng trở lên, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015".

Ngoài ra, việc kinh doanh không đăng ký, không xuất hóa đơn còn là dấu hiệu rõ ràng của hành vi trốn thuế, có thể dẫn đến bị truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc thậm chí là truy cứu hình sự nếu số tiền trốn thuế lớn.

Việc sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân (biên tập viên) hay uy tín, logo của tổ chức (nhà đài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) là hành vi xâm phạm quyền nhân thân và quyền đối với uy tín, thương hiệu được bảo vệ bởi Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Sở hữu trí tuệ.

“Người tiêu dùng nên mạnh dạn thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo khi phát hiện các dấu hiệu gian lận để bảo vệ quyền lợi của chính mình và góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh. Đồng thời, cảnh giác với những lời quảng cáo có phần "thần thánh" hóa về tiết kiệm điện. Nếu muốn giảm hóa đơn điện, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm điện tử uy tín đã được kiểm định, thực hiện sử dụng tiết kiệm điện hợp lý, ưu tiên thiết bị Inverter và bảo trì thường xuyên”, Luật sư Bình nhấn mạnh.

Các thiết bị tiết kiệm điện chưa có cơ quan nào tại Việt Nam kiểm định, cấp phép hoặc xác nhận hiệu quả, độ an toàn... sẽ mang đến nhiều rủi ro về an toàn cháy nổ hoặc rò rỉ điện năng, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Bảo An
Bài viết cùng chủ đề: Tiết kiệm điện