Chủ nhật 27/04/2025 14:58
Thị trường thời trang nhanh Việt Nam: Nội - ngoại "so găng" phân chia thị phần!

Thị trường thời trang nhanh Việt Nam: Kỳ I- Thời trang ngoại dồn dập đổ bộ

Đầu tháng 9/2018, thương hiệu thời trang H&M đã chính thức khai trương cửa hàng thứ ba tại Crescent Mall - quận 7, TP. Hồ Chí Minh; thông báo chính thức của Fast Retailing - công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo mới đây sẽ mở cửa hàng thời trang đầu tiên tại Việt Nam vào mùa thu năm 2019, cho thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng với các thương hiệu ngoại.

Hơn một thập kỷ trước, thị trường thời trang Việt Nam vẫn nổi bật với các doanh nghiệp (DN) trong nước như Blue Exchange, Ninomax, PT 2000, Maxx Style, Sifa, Sea Collection, Sanding, Đan Châu... Thời gian đó, những thương hiệu này liên tục mở chuỗi cửa hàng trên khắp các thành phố lớn. Hệ thống của Ninomaxx, Maxx Style và N&M (thuộc Công ty Thời trang Việt) lên đến gần 200 cửa hàng trên cả nước; Việt Thy, Foci… cũng có đến vài chục điểm bán. Tuy nhiên, 4 - 5 năm trở lại đây, các thương hiệu này đã lẳng lặng đóng cửa bớt, thu hẹp quy mô kinh doanh.

Cửa hàng của Blue Exchange vắng khách

Vậy đâu là nguyên nhân khiến các thương hiệu Việt bị thất sủng ngay tại nội địa. Theo các DN ngành may mặc, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ Việt Nam đang bị cuốn vào làn sóng "cuồng" hàng hiệu nước ngoài. Sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang nhanh đình đám thế giới như Zara, H&M được cho là đang thay đổi dần cán cân thời trang nội - ngoại. Với lợi thế về thiết kế bắt mắt, tốc độ ra mắt sản phẩm nhanh và giá cạnh tranh, những thương hiệu này đều chiếm ưu thế ở mọi thị trường thời trang ở các quốc gia mà họ hiện diện.

Thực tế, những con số về kết quả kinh doanh của hãng thời trang Zara đã chứng minh rõ tiềm năng thị trường thời trang Việt Nam có sức hấp dẫn như thế nào đối với các thương hiệu quốc tế. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), chỉ trong 4 tháng đầu tiên hoạt động tại Việt Nam (năm 2016) Zara Việt Nam đã đạt doanh thu 321 tỷ đồng, bình quân đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày.

Sang năm 2017, theo số liệu do Mitra Adiperkasa - đối tác đại diện cho Inditex vận hành hệ thống Zara tại Việt Nam công bố mở mới các cửa hàng Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti cùng thuộc hệ thống Zara và mở thêm cửa hàng Zara tại Hà Nội vào cuối năm 2017; cùng với đó doanh thu của toàn hệ thống tại Zara Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng. Và trong nửa đầu năm 2018, doanh thu của hệ thống thời trang nhanh này tại Việt Nam tăng trưởng 133% và đạt gần 950 tỷ đồng.

Mới đây nhất, cuối tháng 8/2018, Tập đoàn bán lẻ quần áo toàn cầu Nhật Bản Uniqlo thông báo sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này sẽ đặt tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó thương hiệu này mới tiếp cận người tiêu dùng tại các tỉnh thành khác. Uniqlo đang chuẩn bị tuyển dụng nhân sự cho hoạt động sắp tới của hãng tại Việt Nam.

Theo dự báo của BMI, tốc độ chi tiêu của người Việt cho thời trang tăng trưởng trung bình 10%/năm trong giai đoạn 2017-2021 so với 7% của các năm trước đó được cho là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đại diện tập đoàn bán lẻ quần áo Nhật Bản cho hay, việc gia nhập thị trường Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả thành viên tại Uniqlo, bởi khu vực Đông Nam Á từ lâu trở thành thị trường chủ lực, thúc đẩy sự tăng trưởng công ty. Uniqlo tin tưởng, lạc quan khi có cơ hội gia nhập vào nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này. Uniqlo mong muốn mang đến cho người dùng Việt Nam những mẫu trang phục thường ngày LifeWear chất lượng cao cùng giá cả phải chăng.

Người tiêu dùng xếp hàng để vào tham quan, mua sắm ngày H&M khai trương

Sự xuất hiện của Zara, H&M vừa qua cho thấy, các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam - thị trường có mức tăng trưởng bình quân từ 15 - 20%. Kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%).

Công ty nghiên cứu thị trường Bussiness Monitor International (BMI) gần đây đã đưa ra một báo cáo, trong đó nhận định người tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng quan tâm và chi tiêu mạnh tay đối với các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài. Độ lớn thị trường này vào năm 2021 được BMI dự đoán là 5,08 tỷ USD, thời trang vẫn chiếm phần lớn với số tiền chi tiêu vào khoảng 4,7 tỷ USD.

Kỳ II: Thời trang nội tìm hướng cạnh tranh bằng thị trường ngách

Ngọc Thảo - Thùy Dương