Thị trường sữa trẻ em: Cung lớn hơn cầu
- Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố Báo cáo nghiên cứu tình hình cạnh tranh trên thị trường sữa công thức dành cho trẻ em từ 0-12 tháng tuổi tại Việt Nam qua các năm 2009-2011, do Tổ chức Thống nhất, Tín thác và Bảo vệ Người tiêu dùng (CUTS) thực hiện.
Trái với sự quan ngại của dư luận rằng các sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài chi phối thị trường sữa công thức cho trẻ em, báo cáo chỉ ra rằng sản phẩm sữa công thức trong nước đang dần chiếm lĩnh thị phần trong những năm gần đây, từ 49,3% trong năm 2009 lên 56,3% trong năm 2011 (xét theo sản lượng).
Báo cáo cũng chỉ ra rằng giá sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi ở Việt Nam ở tầm trung so với giá các nhãn hàng cùng loại trong khu vực.
Giá sữa sản phẩm này được quyết định bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là hàm lượng đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ. Biến động giá sữa ở Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào biến động giá sữa bột gầy nhập khẩu, mà còn bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến động tỷ giá hối đoái.
Thêm vào đó, các loại thuế áp dụng cho mặt hàng này tại Việt Nam, ví dụ thuế nhập khẩu 10%, thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Giá sữa trong nước còn chịu tác động bởi lạm phát cao trong những năm gần đây, và mức tăng giá các sản phẩm sữa trên thực tế thấp hơn mức tăng giá của các loại thực phẩm đóng gói khác trong giai đoạn 2009-2011.
Bà Phạm Quế Anh- Giám đốc Văn phòng Hà Nội của Tổ chức CUTS cho biết: “Về lý thuyết, một thị trường cạnh tranh lẽ ra sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như giá thành cạnh tranh phù hợp với chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam chưa được hưởng lợi hoàn toàn từ những lợi ích do thị trường cạnh tranh mang lại, do người tiêu dùng thiếu thông tin về giá cả, và đặc biệt là chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối còn phân tán và thiếu tổ chức.
L.K.L