Thị trường hàng hoá, thực phẩm: Bắc dồi dào, Nam khan hàng
Giá thịt tại Hà Nội đã hạ nhiệt.
- Bắc giảm, Nam tăng Những ngày vừa qua, giá cả nhiều thực phẩm hạ nhiệt rõ rệt so với hai tháng trước đây. Khảo sát sáng 4.11 cho thấy, giá thịt lợn đã giảm thêm từ 10.000 – 20.000đ/kg so với trung tuần tháng 10, theo đó sườn thăn 100.000đ/kg, nạc vai 120.000đ/kg, ba chỉ 90.0000đ/kg... Gà ta nguyên lông bán tại chợ Hoa Sen (Giảng Võ – Ba Đình) có giá hơn 100.000đ/kg, ngan thịt, vịt thịt 80.000đ/kg, gà công nghiệp thịt 70.000đ/kg. Tiểu thương tại đây cho hay, giá nhập sỉ của các loại thực phẩm này đã giảm rõ rệt do nguồn cung từ ngoại thành khá dồi dào. Nếu như tháng 9, giá gà ta nguyên lông đội lên 115.000 – 120.000đ/kg thì hiện giảm dưới 100.000đ. Đặc biệt, hiện giá ngan, vịt mua nguyên con tại đại lý chỉ 54.0000đ/kg – giảm gần 30.000đ/kg so với đầu tháng 10. Ngoài thịt, một số loại cá trắm, cá chép cũng giảm giá đáng kể khoảng 15.000đ/kg. Chị Thu (ngụ quận Ba Đình) hồ hởi cho biết: “Thịt giảm giá hơn khiến việc chợ búa dễ thở hơn trước, chỉ hy vọng là từ đây đến tết, giá cả đừng tăng lên cao quá!”. Nhiều chủ trang trại ngoại thành Hà Nội cho hay, nguồn cung gia súc, gia cầm hiện tại khá dồi dào do thời tiết thuận lợi, tăng trưởng nhanh khiến giá cả bán ra có giảm hơn.
Trong khi đó tại TPHCM, do ảnh hưởng lũ lụt, một số loại thực phẩm tươi sống lợi dụng nhích giá. Khảo sát cùng ngày cho thấy, giá rau củ tại chợ đầu mối Thủ Đức đã tăng từ 2.000 – 7.000đ/kg do lượng hàng về chợ đầu mối giảm 30 - 40%. Hiện giá bán lẻ rau củ tại một số chợ đã tăng, chẳng hạn như cà chua giá tăng lên 16.000 – 18.000đ/kg, xà lách 20.000 – 25.000đ/kg, cải ngọt 15.000đ/kg. Thịt lợn, gà nhích thêm khoảng 5.000đ/kg so với tuần trước do giá lợn hơi tại các tỉnh Đông Nam Bộ đã nhích giá nhẹ. Riêng mặt hàng gạo, mặc dù nguồn hàng trên thị trường vẫn dồi dào, nhưng giá các loại gạo, nhất là gạo ngon hiện được các cửa hàng bán lẻ ở chợ điều chỉnh tăng thêm 1.000 – 2.000đ/kg. Tại quận Tân Phú, giá gạo thơm Thái tăng lên thành 17.000đ - 18.000đ/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, do giá gạo bắt đầu nhích nhẹ thêm 1.000 – 2.000đ/kg, nên đối với các loại gạo ngon đành phải lấy ít hàng bởi lo ngại với mức giá mới tăng lên 200.000đ/bao 10kg, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng các loại gạo có giá bán thấp hơn. Tập trung bình ổn hàng tết Mặc dù giá cả thực phẩm hai miền Nam – Bắc hiện đang chênh lệch khá ro, nhưng theo các sở, ngành, từ nay đến Tết Nhâm Thìn - 2012 sẽ cam kết bình ổn giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Tại Hà Nội, dự báo nhu cầu thực phẩm dịp tết sẽ tăng 20% so với các tháng trong năm. Theo Sở NNPTNT Hà Nội, từ nay đến tết, trung bình mỗi tháng thành phố có nhu cầu 65.000 tấn lương thực, 12.000 tấn thịt lợn, 6.000 tấn thịt gia cầm. Theo nhận định, nguồn cung sẽ chỉ đáp ứng khoảng 62% lượng thịt tiêu thụ trên thị trường, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Sở Công Thương HN cam kết sẽ yêu cầu DN chủ động khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, đảm bảo hàng hoá có chất lượng, đa dạng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Nhiều hệ thống siêu thị lớn lên kế hoạch nhập hàng sẵn sàng tết như BigC đầu tư hơn 150 tỉ đồng tăng 20 – 50% nguồn hàng so với năm ngoái và sẽ bình ổn giá hơn 75% các mặt hàng thiết yếu. Còn theo TCty Thương mại HN (Hapro), tổng lượng hàng hóa, dịch vụ dự trữ tết ước khoảng 905 tỉ đồng - tăng 15% so với năm ngoái. Tại TPHCM, Sở Công Thương cho biết, dù chỉ số tiêu dùng tháng 10 tăng, song giá các mặt hàng bình ổn vẫn giữ ổn định, không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Đối với 8 mặt hàng trong chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, Sở Công Thương TPHCM đề nghị DN tăng cường kiểm tra giám sát các điểm bán, chủ động tạo nguồn hàng phong phú, đa dạng để phục vụ người dân trong thời điểm trước, trong và sau tết. Căn cứ theo nhu cầu tiêu dùng, mặt hàng thịt gia cầm bình ổn được các DN chuẩn bị hiện chiếm khoảng 85%, thịt gia súc 32%, trứng gia cầm 65%, thực phẩm chế biến và đường 48%... Lượng hàng hóa DN dự trữ phục vụ tết chiếm 30 - 40% nhu cầu thị trường. Nguồn hàng còn lại sẽ là hàng về 3 chợ đầu mối chiếm khoảng 50% và còn lại là từ các DN khác. Tổng nguồn vốn chuẩn bị nguồn hàng cung ứng trong tết lên đến 5.566 tỉ đồng.
Theo Lao Động