Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/3: Chỉ số MXV-Index lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 1
Chỉ số giá của 3/4 nhóm mặt hàng tăng nâng chỉ số MXV-Index thêm 0,54% lên 2.157 điểm - mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2024. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 5.500 tỷ đồng.
Kim loại đồng loạt tăng giá
Khép lại ngày giao dịch 7/3, tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng giá. Đối với kim loại quý, đồng USD tiếp tục suy yếu đã hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp. Chốt phiên, giá bạc đóng cửa tại mức 24,57 USD/ounce nhờ tăng 0,35%. Giá bạch kim bật tăng 0,98% lên 923,4 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng hơn một tháng trở lại đây.
Bảng giá kim loại |
Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường kim loại quý khi đồng USD mất giá. Chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,53% về 102,82 điểm, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 và đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp.
Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường kim loại quý khi đồng USD mất giá |
Số liệu kinh tế yếu của Mỹ vẫn đang đè nặng lên đồng USD. Hơn nữa, trong bài phát biểu ngày hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tiếp tục nhấn mạnh về khả năng hạ lãi suất trong năm nay. Môi trường lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lãi và gây áp lực lên đồng bạc xanh, khiến bạc và bạch kim trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX bật tăng 1,32% lên 3,92 USD/pound, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1. Đây cũng là phiên đánh dấu mức tăng mạnh nhất của giá đồng trong vòng ba tuần trở lại đây. Giá quặng sắt cũng tăng 1,35% lên 115,31 USD/tấn.
Dữ liệu thương mại khởi sắc của Trung Quốc đã giúp củng cố triển vọng tiêu thụ kim loại cơ bản và thúc đẩy lực mua các mặt hàng tăng mạnh trong phiên hôm qua. Cụ thể, số liệu hải quan cho thấy tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng vượt dự kiến trong hai tháng đầu năm, lần lượt tăng 7,1% và 3,5% so với cùng kỳ. Riêng đối với đồng và quặng sắt, sản lượng nhập khẩu đều tăng mạnh phản ánh nhu cầu cải thiện vào đầu năm nay. Nhập khẩu đồng của Trung Quốc đạt 902.000 tấn trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt tăng 8,1% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm, đạt tổng cộng 209,45 triệu tấn.
Bên cạnh đó, kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cũng giúp củng cố tâm lý lạc quan trên thị trường. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết vẫn còn dư địa để cắt giảm yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng. Trong khi đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo PBOC sẽ cắt giảm RRR 25 điểm cơ bản trong quý II/2024 và tiếp tục cắt 25 điểm cơ bản nữa vào quý IV/2024.
Giá dầu biến động giằng co khi tín hiệu vĩ mô và cung cầu trái chiều
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 7/3, giá dầu biến động trái chiều trong phiên trước khi chốt phiên giảm nhẹ so với ngày trước đó. Rủi ro về lãi suất tại Mỹ sẽ còn duy trì trong thời gian dài hơn dự kiến của thị trường trước khi bước vào các đợt cắt giảm được coi là thách thức cho bài toán tăng trưởng. Điều này khiến triển vọng nhu cầu dầu thô có phần bị lung lay. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cung cầu thắt chặt đồng thời cũng xuất hiện, ngăn cản đà giảm của giá dầu.
Bảng giá năng lượng |
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,25% xuống 78,93 USD/thùng. Dầu Brent duy trì mức giá sát 83 USD/thùng, không thay đổi so với phiên trước đó.
Theo cuộc thăm dò ý kiến của các chiến lược gia ngoại hối của Reuters, thị trường đang chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể trì hoãn đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Mỹ sang nửa cuối năm nay. Điều này củng cố cho sức mạnh của đồng USD, gây sức ép cho giá dầu do chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn. Vượt qua xu hướng suy yếu vào cuối năm ngoái, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ khác và tăng gần 2,5% trong năm.
Chủ tịch FED, Powell cũng cho biết có thể có cắt giảm lãi suất trong những tháng tới nhưng chỉ khi chắc chắn lạm phát giảm. Sức ép tăng trưởng là một bài toán khó đoán, kéo theo triển vọng không chắc chắn về tiêu thụ năng lượng. Tâm lý này đã tạo sức ép nhất định cho giá dầu trong phiên.
Tuy nhiên, giá dầu trong nửa cuối phiên lại đảo chiều tăng nhẹ, do được hỗ trợ bởi một vài thông tin về cung cầu. Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Trung Quốc cao hơn ước tính, cho thấy thương mại toàn cầu đang chuyển hướng tích cực hơn sau khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trung Quốc cũng đã công bố mức nhập khẩu dầu thô tăng 5,1% trong hai tháng đầu năm nay so với một năm trước đó, đạt khoảng 10,27 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm cách mua khoảng 3 triệu thùng dầu cho Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) để giao hàng vào tháng 9, khi nước này dần dần bổ sung lượng dự trữ khẩn cấp sau khi bán một lượng kỷ lục vào năm 2022.
Mặc dù xuất hiện một số tín hiệu khả quan hơn về nhu cầu, nhưng xét tổng thể về cán cân cung cầu trên toàn thế giới, người đứng đầu bộ phận công nghiệp và thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu được cung cấp tương đối tốt do nhu cầu tăng trưởng chậm lại và nguồn cung ngày càng tăng từ châu Mỹ. Các tín hiệu trái chiều về vĩ mô, cung và cầu này đã khiến giá dầu biến động giằng co liên tục trong phiên hôm qua.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nông sản |
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |