Thị trường hàng hóa hôm nay 11/11/2024: Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc cao kỷ lục đẩy giá tăng mạnh
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam(MXV), tuần giao dịch qua (4 - 10/11), dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường trú ẩn sang các thị trường có tính sinh lời cao hơn như hàng hóa. Lực mua chiếm áp đảo kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,63% lên 2.177 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường nông sản, giá mặt hàng đậu tương và ngô đều tăng vọt gần 4% trong bối cảnh triển vọng nguồn cung thấp hơn dự kiến và nhu cầu cao. Bên cạnh đó, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá hai mặt hàng cà phê đứt chuỗi giảm nhiều tuần liên tiếp trước đó.
Chỉ số MXV-Index |
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc cao kỷ lục đẩy giá tăng mạnh
Thị trường nông sản đóng vai trò dẫn dắt xu hướng khởi sắc của toàn thị trường trong tuần giao dịch vừa qua với 5 trên 7 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong đó, giá đậu tương ghi nhận mức tăng hơn 3,5%, nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ 5. Xu hướng giá được thúc đẩy nhờ triển vọng nhu cầu tốt cùng các số liệu có phần “bullish” trong Báo cáo cung - cầu nông sản thế giới WASDE tháng 11.
Bảng giá nông sản |
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tháng 10, nước này đã nhập khẩu 8,09 triệu tấn đậu tương trong bối cảnh các nhà nhập khẩu gấp rút tích trữ trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm sau. Đây là khối lượng nhập khẩu lớn nhất trong vòng 4 năm qua, tăng 56% so với mức 5,18 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Lũy kế nhập khẩu đậu tương trong 10 tháng đầu năm 2024 đã đạt 89,9 triệu tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái và gần bằng mức nhập khẩu cả năm 2023 là 99,41 triệu tấn. Nếu nhu cầu trong hai tháng cuối năm tiếp tục cao, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể sẽ đạt mức kỷ lục chưa từng thấy trong năm nay. Nhu cầu cao từ quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới là yếu tố đã hỗ trợ giá.
Bên cạnh đó, cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố báo cáo WASDE tháng 11 và gây ra nhiều bất ngờ cho thị trường. USDA cắt giảm mạnh dự báo năng suất đậu tương niên vụ 2024-2025 của Mỹ xuống chỉ còn 51,7 giạ/mẫu, từ mức 53,1 giạ/mẫu trong báo cáo trước, thấp hơn nhiều so với khoảng dự đoán của thị trường. Điều này kéo sản lượng và tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2024-2025 của Mỹ đều xuống mức thấp hơn so với khoảng dự đoán của giới phân tích. Trước triển vọng nguồn cung thu hẹp tại Mỹ, giá đậu tương đã được hỗ trợ và tăng vọt sau khi báo cáo được công bố. Đây là nguyên nhân giúp phe mua áp đảo thị trường trong tuần qua.
Tương tự, giá ngô đã tăng gần 4% trong tuần qua cũng được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung thấp hơn dự kiến. Dự báo thị trường ngô niên vụ 2024-2025 trong báo cáo tháng này cho thấy sản lượng và tồn kho cuối kỳ tại Mỹ có xu hướng giảm, đồng thời nguồn cung toàn cầu cũng gặp nhiều biến động do những thay đổi trong sản xuất và thương mại quốc tế. Sản lượng ngô tại Mỹ được dự báo sẽ giảm xuống còn 15,1 tỷ giạ, giảm 60 triệu giạ so với dự báo trước do năng suất thấp hơn. Mặc dù đã được dự đoán sẽ sụt giảm nhưng mức điều chỉnh của USDA lớn hơn so với kỳ vọng nên đây là yếu tố đã thúc đẩy lực mua đối với giá ngô.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 7/11, giá chào bán ngô Nam Mỹ về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào ngô kỳ hạn giao tháng 12/2024 dao động trong mức 6.650 - 6.700 đồng/kg. Trong khi đó, đối với kỳ hạn giao hàng tháng 1 năm sau, ngô Nam Mỹ được chào bán quanh mức giá 6.700 - 6.750 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán ghi nhận cao hơn 50 -100 đồng so với cảng Vũng Tàu.
Giá một số loại hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá năng lượng |
Bảng giá kim loại |