Thị trường điều hòa sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số
Nhiều khó khăn trong năm 2020
Theo ông Liêu Triều Văn - Phó Tổng giám đốc Midea Việt Nam, năm 2020 vừa qua, đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện đã gây ra những tác động không nhỏ đến cung - cầu của ngành điều hòa không khí. Nguyên nhân là do thu nhập giảm khiến việc sử dụng điều hòa cũng bị giảm theo.
Về nguồn cung, các biện pháp phong tỏa, dừng hoạt động sản xuất, giãn cách xã hội vào một số thời điểm tại nhiều quốc gia, đã tạo ra sự tắc nghẽn, đứt gãy đột ngột trong chuỗi cung ứng. Điều này dẫn đến giá cả nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung sản phẩm cho mùa cao điểm hè. Thậm chí tình trạng thiếu hụt container chở hàng cũng vẫn còn là bài toán khó khăn với doanh nghiệp.
Các sản phẩm tiết kiệm điện sẽ được người dùng ưu tiên lựa chọn trong năm 2021 |
Một bài toán khó khác với ngành điều hòa là tình trạng thiếu hụt nhân viên kỹ thuật lắp ráp máy trong mùa cao điểm, vốn là vấn đề tồn đọng trong các năm qua. Năm 2020 là một trong những năm nóng nhất lịch sử, khiến nhu cầu lắp mới điều hòa vào các tháng nóng tăng cao.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin tại tọa đàm “Thị trường điều hòa Việt Nam 2021”, diễn ra ngày 5/1, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Chủ tịch Liên chi hội cơ điện lạnh Việt Nam - cho biết: Lực lượng kỹ thuật viên khó có thể tăng nhanh trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là khi khí hậu được dự báo vẫn sẽ tiếp tục nóng bức. “Tôi cho rằng, nút thắt cho vấn đề này có thể giải quyết ở khâu thiết kế, phát triển những dòng sản phẩm có thể giải quyết ở khâu thiết kế, phát triển những dòng sản phẩm có thể lắp ráp, sửa chữa nhanh và đơn giản hơn, nhằm rút ngắn thời gian làm việc và nâng cao hiệu suất cho nhân viên kỹ thuật”, ông Tuấn đánh giá.
Nhiều điểm sáng trong năm 2021
Nhận định về thị trường năm 2021, ông Nguyễn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kĩ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam - cho rằng, thị trường điều hòa Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực. Hiện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất điều hòa đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều. Nếu như năm 2016 - 2017 được xem là “thời điểm vàng” của ngành điều hòa với tốc độ tăng trưởng tốt, với khoảng 20-30%, thì năm 2021 cũng được đánh giá là một năm đầy tiềm năng của thị trường điều hòa - khi Việt Nam hiện đang ghi nhận sự hiện diện của hơn 30 thương hiệu điều hòa. Dự báo, thị trường điều hòa sẽ tiếp tục phát triển tốt và cạnh tranh cao trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến thị trường điều hòa, TechSci Research nhận định, thị trường điều hòa không khí sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong các năm tới nhờ vào thu nhập tăng, lối sống thay đổi và sự ưu chuộng đổi mới công nghệ của người dùng. Ngoài ra do ảnh hưởng môi trường nên năm 2021, dự kiến nhiệt độ vẫn tăng cao, do đó, nhu cầu về các sản phẩm điều hòa tại gia đình trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7 sẽ rất cao.
“Tháng 3 đến tháng 7 hàng năm là giai đoạn bùng nổ của thị trường điều hòa, máy lạnh. Do đó, ngay từ đầu năm, các nhà phân phối, chuỗi hệ thống đã lên kế hoạch sẵn sàng về hàng hóa, nguồn cung sản phẩm đầy đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong bối cảnh này các hãng cần có lượng hàng, lượng tồn kho đầy đủ chuẩn bị cho mùa cao điểm”, ông Trương Hồng Hoàng - đại diện hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh đánh giá.
Trước dự báo khả quan về thị trường điều hòa, ông Liêu Triều Văn - Phó Giám đốc Midea Việt Nam - cho biết, ngay từ tháng 9/2020, đơn vị đã có kế hoạch cụ thể với các nhà phân phối do đó doanh nghiệp luôn sẵn sàng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của thị trường Việt Nam năm 2021.
Cùng với nhu cầu tiêu thụ, giới chuyên gia cũng dự báo, tiết kiệm điện sẽ là tiêu chí đầu tiên để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, bởi vừa đáp ứng nhu cầu kiểm soát chi tiêu vừa phù hợp với xu thế bảo vệ môi trường, giảm tiêu thụ điện năng. Bên cạnh đó, các tiêu chí như độ bền cao, giá cả hợp lý cùng với các ưu điểm như hoạt động êm ái, dễ tháo lắp - bảo trì. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của từng khu vực thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp.