Thị trường bất động vẫn nóng với nhiều thương vụ M&A
Thị trường BĐS thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài qua hình thức M&A |
Với lượng vốn M&A đăng ký cao kỷ lục 4,971 tỷ USD trong quý 2/2018, trong đó chủ yếu thuộc về dự án thành phố thông minh tại Hà Nội. Dự án này bao gồm 271,82 ha với khoản đầu tư hợp tác liên doanh giữa 4 nhà đầu tư trong nước và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Giai đoạn đầu dự kiến sẽ triển khai vào quý 3/2018. Sau khi hoàn thành, thành phố thông minh được mong đợi sẽ là một trong những thành phố thông minh tiên tiến nhất ở Đông Nam Á với hệ thống giao thông hiện đại.
Cùng với Hà Nội, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận sự quan tâm liên tục từ các nhà đầu tư lớn trong thời gian qua. Cụ thể, vào tháng 4/2018, Frasers Property đã tham gia thỏa thuận mua cổ phần có điều kiện để sở hữu 75% vốn cổ phần của BĐS Phú An Khang, đơn vị sở hữu phát triển dự án phức hợp tọa lạc tại quận 2 với giá trị khoảng 18 triệu USD.
Phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục thu hút giới đầu tư trong nước thông qua hoạt động M&A. Cụ thể, Tập đoàn Xuân Mai đã mua lại thành công Eco - Green Saigon - dự án rộng 14 ha tọa lạc tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Hay Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản – Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad để phát triển Akari City - dự án khu dân cư 8,8ha tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Nam Long cũng khởi công dự án trọng điểm Waterpoint Township tại tỉnh Long An vào tháng 6/2018 với diện tích 355ha, bao gồm nhà phố, biệt thự, căn hộ cao tầng, bệnh viện, tiện ích cơ sở giáo dục và thể thao.
Bên cạnh triển vọng tích cực đối với phân khúc nhà ở, nhiều DN BĐS cũng kỳ vọng hoạt động M&A sẽ tiếp tục diễn ra sôi động ở mảng BĐS công nghiệp và văn phòng. Bởi ngành sản xuất công nghiệp được thúc đẩy tăng trưởng bởi dòng vốn FDI ngày càng tăng, đổ vào lĩnh vực sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và triển vọng cạnh tranh trong thu hút đầu tư khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.
Từ những thương vụ M&A trên thị trường BĐS cho thấy xu hướng liên kết, hợp tác giữa các DN có tiềm lực mạnh trên thị trường ngày càng nhiều. Xu hướng “bắt tay” của các “ông lớn” trong ngành BĐS dường như đã giúp các DN tận dụng và phát huy thế mạnh của các bên để tạo nên nhiều điểm nhấn cho kiến trúc đô thị và gia tăng giá trị cho khách hàng. Thông qua M&A trên thị trường BĐS cũng đã hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản trong nước lớn dần cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường và hợp tác bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực.