TP. Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư vào các dự án đô thị thông minh TP. Hồ Chí Minh chung tay cùng cả nước xóa nhà tạm, nhà dột nát |
Mời gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Sáng 15/10, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành Văn hóa và Thể thao thành phố năm 2024”.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị (Ảnh: Thanh Minh) |
Phát biểu tại tại sự kiện, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hội nghị nhằm quảng bá hình ảnh TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế và tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực văn hóa và thể thao thành phố, góp phần khai thác tiềm năng, xây dựng phát triển các công trình văn hóa và thể thao đa năng, hiện đại, xứng tầm quốc tế. Qua đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao thành phố, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội cho TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Trong đó có những cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, vận dụng những cơ chế chính sách này, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục cụ thể hóa để làm sao tạo được điều kiện thuận lợi hơn cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thanh Minh) |
Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh mong nuốn, qua hội nghị này có sự trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Qua đó, giúp TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế (Ảnh: Thanh Minh) |
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kêu gọi các nhà đầu tư tham gia trên lĩnh vực văn hóa - thể thao vốn là lĩnh vực không phải sinh nhiều lợi nhuận mà phải bằng tình cảm, bằng đam mê, trách nhiệm thực hiện. “Do đó chính quyền thành phố sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP. Hồ Chí Minh”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cam kết.
Mời gọi đầu tư 23 dự án trọng điểm
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam cũng như trên thế giới, sự phát triển văn hóa, thể thao của TP. Hồ Chí Minh những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa và thể thao. Đặc biệt, thành phố luôn chú trọng công tác đầu tư, mong muốn thu hút được nhiều nguồn lực từ trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao tầm cỡ, trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh) |
Việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, cho phép TP. Hồ Chí Minh được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao hiện đại trở thành biểu tượng của thành phố.
"Hiện Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chung tay với chính quyền đầu tư các công trình văn hóa, thể thao theo hình thức PPP đối với 23 dự án", ông Thuận cho biết thêm.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên mời gọi 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước năm 2024, gồm: Xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A-B (quận 5) với vốn đầu tư 160 tỷ đồng; Nhà hát Gia Định (quận Bình Thạnh) vốn đầu tư 256 tỷ đồng; Xây dựng mới Trung tâm Văn hóa thành phố (quận 1) với vốn đầu tư 95 tỷ đồng; Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) vốn đầu tư chưa xác định; Xây dựng mới Trung tâm văn hóa - thể thao đa năng TP. Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ, vốn đầu tư gần 1643 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp nêu những câu nỏi về chính sách thu hút đầu tư, tiến độ các dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao tại hội nghị (Ảnh: Thanh Minh) |
Những dự án còn lại Thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp Thể dục Thể thao quốc gia Rạch Chiếc, tại Khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Thành phố, là địa điểm thu hút nhiều đầu tư vào thương mại, dịch vụ, khách du lịch, từ đó mở rộng đóng góp của văn hóa, thể thao vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, ngoài việc mời gọi đầu tư 23 dự án trọng điểm, Sở Văn hóa và Thể thao còn giới thiệu về Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, Thành phố đã chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 (gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang).
Theo ông Trần Thế Thuận, mục tiêu của đề án này nhằm phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Qua đó, phấn đấu xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á, gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.
Đại diện các Sở ngành TP. Hồ Chí Minh giải đáp những câu hỏi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại hội nghị (Ảnh: Thanh Minh) |
Về chỉ tiêu phát triển, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, phấn đấu doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12%/năm, phấn đấu doanh thu đạt khoảng 7 - 8% GRDP của Thành phố. Dự kiến tổng doanh thu sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội của Thành phố khoảng 148.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Hiện nay, công nghiệp văn hóa có sức ảnh hưởng và tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới xem ngành công nghiệp sáng tạo như một chiến lược để cải thiện sức cạnh tranh, năng suất, việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững. “Do đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 5546 ngày 19/9/2024 về triển khai Đề án phát triển ngành Công nghiệp văn hóa TP. Hồ Chí Minh để thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ các nguồn lực, phát huy sự sáng tạo, mở rộng thị trường phát triển trong nước và quốc tế”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thông tin.
Tại hội nghị, các nhà đầu tư và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp trao đổi giải đáp các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đại về đầu tư, thuế, thay đổi công năng, tiến độ thực hiện các dự án… được nhà đầu tư quan tâm trên lĩnh vực văn hóa - thể thao.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh) |
Phát biểu kết luận, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nhấn mạnh, qua các nội dung đã trao đổi tại hội nghị có thể thấy được các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, các nhà đầu tư đã gắn bó và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh trong suốt những năm qua.
Bên cạnh đó, qua trao đổi của các doanh nghiệp tại hội nghị đã giúp lãnh đạo Thành phố hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư mong muốn đóng góp, tham gia vào sự phát triển của ngành văn hóa và thể thao nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung.
Tại hội nghị này, TP. Hồ Chí Minh không chỉ tiếp nhận những ý kiến rất có ý nghĩa và đầy tâm huyết, mà còn đón nhận những cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư về những dự định, đề án tương lai. Chính quyền thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để các dự án đề xuất đầu tư hôm nay được triển khai thuận lợi, nhanh chóng trên thực tế, giúp nâng cao chất lượng sống của nhân dân và phát triển văn hóa và thể thao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố....
“Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao, Cục thuế, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh, các Sở, ban ngành, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức tập trung triển khai mạnh mẽ các giải pháp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành, tạo điều kiện thông thoáng trong môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, triển khai thực hiện các công việc và các dự án đầu tư để đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị.