Thị trường M&A 2023: Điểm mặt các thương vụ lớn Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Vắng bóng kế hoạch M&A M&A “mát tay” như Bamboo Capital |
Một tháng trở lại đây, các lĩnh vực bất động sản, xây dựng đã ghi nhận hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Các tên tuổi lớn như: Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG), Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG), Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long Group, mã: NLG), Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC),… đều đã tiến hành thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết và bán tài sản để cân đối dòng tiền.
Theo đó, HBC đã rao bán 100% vốn góp tại công ty con là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Hòa Bình. Doanh nghiệp này cũng thoái toàn bộ 32,31% và 47,82% vốn sở hữu của hai công ty liên kết là Nhôm kính Anh Việt và Jesco Hòa Bình.
Trong khi Nam Long Group cho biết, tập đoàn này đã hoàn thành chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Nam Long Đại Phước (45 ha) cho đối tác Nishi Nippon trong tháng 6/2024. Thương vụ này mang về cho doanh nghiệp gần 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tương tự đó, VRC thông báo đã chuyển nhượng thành công một phần Khu dân cư ADC tại phường Phú Mỹ (quận 7, TP. Hồ Chí Minh). Còn PDR cho hay, thương vụ chuyển nhượng toàn bộ 49% vốn tại Công ty CP Đầu tư Bất động sản BIDICI đã sắp hoàn thành và doanh nghiệp có cơ hội thu về hơn 1.400 tỷ đồng để cân đối dòng vốn.
Cảng Vạn Ninh giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 2.248 tỷ đồng và dự kiến đi vào khai thác từ quý 4/2024 |
Ở các lĩnh vực khác, làn sóng M&A cũng đang diễn ra sôi động. Đơn cử, Vinaconex cho biết, đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh (199 tỷ đồng). Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cũng đã lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty CP Dịch vụ Cảng Lưu Nguyên Cái Mép (51,54% vốn, 124 tỷ đồng). Các doanh nghiệp khác như Trung Nam Group, Công ty CP Sam Holdings, Vietnam Airlines… hiện cũng đều tập trung cho các thương vụ thoái vốn lớn tại các công ty con, lần lượt là Điện mặt trời Trung Nam, Công ty CP SAM Nông nghiệp công nghệ cao và Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất…
Đánh giá về các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield (công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu) - cho rằng, hoạt động M&A đang là “phao cứu sinh” đối với nhiều doanh nghiệp sau thời gian dài tắc nghẽn dòng vốn quay vòng. Và dù hiện nay, các thương vụ M&A mới tập trung chủ yếu tại các dự án đã có pháp lý rõ ràng và nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh trong các tháng cuối năm. Mặt khác, phân khúc bất động sản công nghiệp nhiều khả năng sẽ thu hút mạnh vốn FDI từ các thương vụ M&A giá trị lớn.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) - cho rằng, các kế hoạch chủ động thoái vốn công ty con và bán tài sản sẽ giúp các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tập trung vào các mảng kinh doanh cốt yếu và thúc đẩy duy trì tăng trưởng lợi nhuận để giữ giá cổ phiếu. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản và năng lượng, bởi áp lực tài chính với các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao vẫn sẽ còn lớn trong năm 2024 và cả 2025.
SGI Capital cho rằng, hiện nay, mặc dù áp lực về dòng tiền và thanh khoản thị trường đã đi qua vùng đỉnh của chu kỳ nhưng sẽ vẫn tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp, khiến họ khó tiếp cận các lợi thế từ mặt bằng lãi suất tín dụng thấp. Trong các tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp khó khăn đang cần tái cơ cấu nợ vẫn đối mặt rủi ro thanh khoản cục bộ, xu hướng bán ròng của khối ngoại và cổ đông nội bộ cũng sẽ khiến các doanh nghiệp cân nhắc tăng thêm các thương vụ thoái vốn, M&A để giữ giá cổ phiếu để duy trì các cổ đông lớn, cam kết dài hạn.
Hoạt động M&A đang là “phao cứu sinh” đối với nhiều doanh nghiệp sau thời gian dài tắc nghẽn dòng vốn quay vòng |
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, M&A bất động sản hiện tại không đơn thuần là xu hướng tích trữ tài sản, mà đã là một chiến lược nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Mục tiêu của thương vụ ban đầu từ “cạnh tranh, đối đầu” đến “đầu tư, hợp tác” nhằm tạo giá trị chung để phát triển đi lên.
Báo cáo APIQ Quý 2/2024 của Savills (công ty dịch vụ bất động sản của Anh) công bố mới đây cũng ghi nhận một số thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực bất động sản như: Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại Bình Dương. Hay một thương vụ M&A khác là Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã mua lại 25% cổ phần dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD.
Lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cũng có thương vụ Tripod Technology Corporation mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức.
Chia sẻ về các thương vụ M&A, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng: “Đây cũng là cách nhanh nhất đưa các sản phẩm bất động sản ra thị trường, giảm tình trạng khan hiếm nguồn cung, góp phần giảm giá nhà như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ”.
Các chuyên gia cũng nhận định, M&A bất động sản hứa hẹn sẽ sôi động từ nửa cuối năm nay. Các thương vụ tiếp tục được thúc đẩy với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ngoài phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở, bất động sản thương mại văn phòng và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng được các nhà đầu tư quan tâm.