Thị trường bán lẻ: Kỳ vọng tăng cao những tháng cuối năm
Doanh thu bán lẻ giữ đà tăng trưởng
Trong tháng 9/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều khởi sắc so với tháng trước do tình hình dịch bệnh trong cả nước đã được kiểm soát tốt.
Ngành bán lẻ TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm |
Tính chung 9 tháng/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 942.958 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,5%, quý II giảm 11,5%, quý III giảm 0,1%).
Trong số các lĩnh vực dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh đến nay chỉ có bán lẻ có mức tăng trưởng dương đạt 606.868 tỷ đồng, chiếm 64,4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 10% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 114.848 tỷ đồng, chiếm 18,9% trong doanh thu bán lẻ, tăng 9,2%; lương thực, thực phẩm đạt 103.884 tỷ đồng, chiếm 17,1% trong doanh thu bán lẻ, tăng 11,9%; xăng dầu các loại đạt 50.184 tỷ đồng, chiếm 8,3%, tăng 7,2%...
Dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 9 tháng/2020 đạt 51.134 tỷ đồng, chiếm 5,4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ ăn uống 46.936 tỷ đồng, giảm 38,8%; dịch vụ lưu trú 4.198 tỷ đồng, giảm 49,6%. Có thể thấy ngành du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ 2 làn sóng dịch bệnh tại Việt Nam, với đỉnh dịch vào cuối tháng 3 và giữa tháng 8, người dân hạn chế du lịch do tâm lý e ngại dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, nên các hoạt động kinh tế đang dần hoạt động trở lại. Dự báo ngành du lịch và lưu trú sẽ có nhiều khởi sắc từ các chính sách kích cầu du lịch nội địa và việc mở cửa lại với một số nước có hệ số an toàn dịch cao.
Bán lẻ nhanh chóng thích ứng và kỳ vọng cuối năm
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ bán lẻ tăng trưởng dương trong khi nhiều ngành khác ghi nhận mức sụt giảm là do sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ. Theo đó, các hệ thống phân phối hiện đại tại TP đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng...
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh đánh giá, sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp DN cải thiện được doanh thu, tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại.
Những DN tiên phong, đi đầu trong các hoạt động trên trong suốt thời gian qua phải kể tới như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Big C, Lotte Mart… Saigon Co.op đã triển khai thí điểm bán hàng qua các ứng dụng như Grabmart, Now và Baemin để bán sản phẩm thuận lợi nhất cho khách hàng. Với hình thức online, nhà bán lẻ này đã ra mắt gian hàng online Co.op Smile trên ví điện tử MoMo.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh- Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam, ước tính đến hết năm nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu, cũng như sản phẩm về sức khỏe nên các loại thứ yếu khác như thời trang hay điện máy, phi thực phẩm dù có hồi phục cũng không đáng kể. Điều này được đánh giá sẽ mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương. Thế nhưng, để chiếm được niềm tin, tăng sức mua thì các nhà cung cấp địa phương cần cung cấp sản phẩm tốt, có giá trị phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.
Mặc dù chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch nhưng những tháng cuối năm, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng sẽ khởi sắc hơn so với thời gian vừa qua. Thị trường trong nước tiếp tục giữ vai trò là động lực sản xuất đối với các DN trên địa bàn. Dự báo doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2020 sẽ tăng trưởng 10 - 10,5% so với năm 2019.