Thị trường bán lẻ hậu Covid-19: Online có “nuốt chửng” kênh offline?
Không phải online, bán lẻ offline mới là kênh bùng nổ sau dịch
Dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên ngành bán lẻ toàn cầu. Việc giãn cách xã hội đã trở thành đòn bẩy cho lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh mua sắm trực tuyến tăng trưởng, hỗ trợ các hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Vui chơi giải trí là một trong những nhóm ngành đầu tiên hồi phục mạnh mẽ |
Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện cho thị trường bán lẻ có cơ hội sớm trở lại. Câu hỏi đặt ra, liệu người dân có trở lại các cửa hàng, Trung tâm thương mại hay vẫn giữ thói quen mua sắm online như thời điểm còn cách ly xã hội?
Theo bà Trang Bùi, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, thương mại điện tử sẽ không lấy mất “phần bánh” của bán lẻ truyền thống, mà sẽ là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ biết nắm bắt.
Trong khi đó, nghiên cứu của Nielsen cũng cho hay, khi đại dịch Covid-19 đi qua, lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây. Thay vì ở nhà, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn cho những sản phẩm dịch vụ ở bên ngoài, miễn thấy đảm bảo và an toàn. Điều này mang lại cơ hội lớn cho các Trung tâm thương mại vốn sở hữu nhiều mặt hàng trên một mặt bằng và có các biện pháp quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh.
Báo cáo Thị trường Bán lẻ tại Hà Nội trong quý I/2020 của Savills cho biết, các ngành hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, trung tâm giáo dục và thể thao được dự đoán sẽ phục hồi đầu tiên, do người tiêu dùng không chỉ nhanh chóng trở lại nếp sống bình thường sau thời gian thực hiện cách ly xã hội, mà còn được dự báo sẽ trở nên bùng nổ.
Ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia bán lẻ cũng cho rằng: “Sau giãn cách, nhiều người có nhu cầu tiếp xúc xã hội, không chỉ mua các sản phẩm thời trang, làm đẹp, ăn uống, tập thể dục thể thao mà còn tới các Trung tâm thương mại để giải trí. Người dân bị kìm hãm lâu ngày như nén lò xo, được bật tung trở lại khiến lực cầu tăng mạnh, thị trường bán lẻ, dịch vụ có cơ hội bùng nổ”.
Dễ dàng chi tiền hơn khi có trải nghiệm thực
Uniqlo là một ví dụ điển hình cho thấy các cửa hàng với sản phẩm thực tế chưa bao giờ thất thế. Sau khi chinh phục người tiêu dùng Hà Nội với cửa hàng tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch, thương hiệu thời trang Nhật Bản đã lên kế hoạch mở liên tiếp hai cửa hàng tại các trung tâm mua sắm lớn TP.HCM là SC VivoCity và đặc biệt Vincom Center Landmark 81 ngay trong tháng 6/2020.
Uniqlo cho biết, khi có cửa hàng thì doanh số của họ đã tăng 40%. Cửa hàng tạo nên cảm giác thực chạm vào sản phẩm và thúc đẩy việc mua sắm tốt hơn – những trải nghiệm mà mua hàng online không thể mang lại được.
“Mua hàng online nhiều lúc dở khóc dở cười. Nhưng nhiều khi mẫu một kiểu, sản phẩm thật một kiểu, chất liệu quảng cáo thì hay nhưng mặc vào lại không hợp. Cứ ra cửa hàng thử là tốt nhất, ưng thì mua, không thì thôi”, chị Thuý Bùi, một tín đồ thời trang ở Hà Nội chia sẻ trên diễn đàn mua sắm thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ.
Uniqlo vẫn thu hút nhiều khách hàng khi mở cửa hàng tại 2 thành phố lớn |
66% người Việt sẽ sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để được trải nghiệm là kết quả từ nghiên cứu của Euromonitor, cho thấy gu mua sắm của người tiêu dùng Việt muốn nhìn tận mắt, thử tận tay sản phẩm. Trong khi đó, nhiều nhãn hàng lớn trước người tiêu dùng chỉ có thể đặt từ nước ngoài thì nay đã xuất hiện tại Trung tâm thương mại lớn. Khách hàng có thể tới Vincom, Lotte, Aeon Mall… lựa chọn và mua trực tiếp, thay vì phải đợi oder mất cả tháng trời, thoả mãn nhu cầu trải nghiệm mua sắm ngày càng cao của mình.Bà Trần Thị Lê Hiền, CEO chuỗi chăn ga gối đệm Judy Drap tại TP.HCM cũng cho biết: “Hiện doanh số đã đạt được khoảng 75% so với trước dịch. Đặc biệt số khách qua các cửa hàng của chúng tôi mua trực tiếp có xu hướng tăng nhanh hơn so với mua hàng online, mua trực tiếp đạt khoảng 80%, mua online 70%”. Điều đó cho thấy xu hướng khách hàng đã thích đi ra ngoài mua sắm hơn sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi tâm lý sợ dịch.
Lý giải về điều này, bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á dẫn số liệu: 80% doanh thu bán lẻ đều đến từ các cửa hàng thực thể, 90% khách hàng sẽ mua nhiều hơn vào lần sau, sau khi đến cửa hàng thực thể để nhận hàng đã mua trực tuyến. Điều đó cũng lý giải việc chuyển đổi các mô hình mua sắm kiểu cũ như chợ, tạp hoá truyền thống sang các trung tâm mua sắm hiện đại để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng đa dạng của người dùng đang diễn ra ngày càng rõ rệt.
Mặc dù vậy, sự phát triển của kênh bán lẻ online vẫn là xu thế không thể chối bỏ. Theo Google, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm gần 50% từ nay cho đến 6 năm tới. Vì thế, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú kết luận, bối cảnh hiện tại là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình, đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn.
“Thứ nhất, chất lượng hàng hóa kinh doanh phải nâng lên một bước, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Thứ hai, doanh nghiệp thành công là khi biết cách kết hợp cả online - offline để phục vụ mục tiêu lớn nhất là đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày cao của người tiêu dùng”, vị chuyên gia nhận định.