Thị phần môi giới hàng hóa trong năm 2021 ổn định và cân bằng
Thị phần môi giới hàng hóa không có nhiều xáo trộn về thứ tự trong năm qua, nhưng những gương mặt mới tham gia thị trường đã tạo “làn gió” tích cực giúp thị trường phát triển ổn định và cân bằng hơn rất nhiều.
Top 5 thị phần môi giới hàng hóa lớn nhất chiếm 78% khối lượng giao dịch
Theo số liệu từ khối Quản lý Giao dịch MXV, vị trí dẫn đầu thị phần môi giới hàng hóa trong năm 2021 thuộc về Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi, chiếm 35,6% khối lượng giao dịch. Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) đứng thứ hai với 18,2% thị phần. Công ty CP Saigon Futures xếp thứ ba với 12,2% thị phần. Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest) đứng thứ tư với thị phần chiếm 9,4%. Vị trí cuối cùng trong Top 5 là Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Quốc tế (MXL) với 3,3% khối lượng giao dịch trên cả nước.
Trong số này, 4 thứ hạng đầu tiên không có sự thay đổi so với năm 2020. Nhưng cơ cấu thị phần của các công ty trong Top 5 đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cân bằng hơn. Cụ thể, Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi dù có khối lượng giao dịch tăng hơn 13% so với năm ngoái, nhưng thị phần đã giảm từ 48,5% xuống còn 35,5%. Trong khi đó, Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) có thị phần tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, từ 9,6% lên 18,2%. Công ty CP Saigon Futures và Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest) cùng lần lượt có mức tăng thị phần thêm 2,8% và 2,4% trong năm qua.
Khối lượng giao dịch tăng mạnh, tỉ trọng các mặt hàng đồng đều hơn
Tổng kết năm 2021, khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV tăng 55% so với năm 2020. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt 3.500 tỉ đồng. Trong đó, đã xuất hiện nhưng phiên có giá trị giao dịch trên 7.000 tỉ đồng, là mức kỷ lục của thị trường hàng hóa Việt Nam từ trước tới nay.
Tính đến ngày 31/12/2021, MXV đang niêm yết giao dịch 31 mặt hàng, chia thành 4 nhóm: Nông sản, Năng lượng, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại. Dầu đậu tương vẫn tiếp tục là mặt hàng có tỉ trọng giao dịch lớn nhất trong năm 2021, đạt 16,4% so với 40,5% trong năm 2020. Đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy các sản phẩm giao dịch tại MXV ngày càng nhận được sự quan tâm đồng đều hơn của các nhà đầu tư trong nước. Theo sát Dầu đậu tương, Ngô và Lúa mỳ Chicago lần lượt chiếm 12,6% và 12,0% tổng khối lượng giao dịch tại MXV.
Xét về mức độ tăng trưởng, không có gì bất ngờ khi nhóm Năng lượng chứng kiến dòng tiền tăng mạnh trong năm qua, với các biến động lớn của giá Dầu thô. Khối lượng giao dịch Dầu thô WTI tăng hơn 10 lần so với năm ngoái. Dầu thô WTI và Dầu thô Brent lần lượt đứng thứ 05 và thứ 09 trong số các mặt hàng có tỉ trọng giao dịch nhiều nhất tại MXV.
Cũng theo báo cáo của khối Quản lý Giao dịch, trong năm 2021, số lượng tài khoản giao dịch mở mới tại MXV đạt gần 7.000 tài khoản, nâng tổng số tài khoản trên thị trường hàng hóa lên gần mốc 20.000 tài khoản. Với sự chủ động về công nghệ, hệ thống M-System có thể đáp ứng được số tài khoản và khối lượng giao dịch cao gấp hàng chục lần so với hiện nay.
Đại dịch Covid-19: Biến thách thức thành cơ hội
Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề, và thị trường giao dịch hàng hóa cũng không ngoại lệ. Các biện pháp phòng dịch được đặt ưu tiên hàng đầu, nên hoạt động mở rộng thị trường, chi nhánh của các Thành viên kinh doanh đều gặp nhiều khó khăn. Các Thành viên mới tham gia thị trường đã phải rất nỗ lực để xây dựng và phát triển tập khách hàng khi mọi giao tiếp đều dưới hình thức online. Trong bối cảnh này, các Thành viên của MXV đã liên tục cho ra mắt các ứng dụng hỗ trợ giao dịch; mở tài khoản dưới hình thức định danh trực tuyến (eKYC); tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ online…
Mở tài khoản trực tuyến tại website của Thành viên thị trường |
Khi chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề, thị trường hàng hóa sẽ càng phải chủ động về công nghệ và thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn nữa, để bắt kịp với tốc độ phát triển chung của thế giới. Kết quả giao dịch trong năm 2021 cũng cho thấy, các Thành viên thực hiện chuyển đổi số sớm đã gặt hái được những thành quả rất đáng ghi nhận. Đây sẽ là động lực để toàn thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung, và các Thành viên của MXV nói riêng, sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ để thích nghi với bối cảnh mới hậu đại dịch Covid-19. Chuyển đối số sẽ là chìa khóa thành giúp các Thành viên tiếp tục khai phá thị trường đầy niềm năng và còn rất nhiều dư địa phát triển này.