Thép nội "lao đao" và gian nan câu chuyện phục hồi ngành thép trong nước
Chưa bao giờ, ngành thép lại gặp khó khăn như vậy trong 3 năm qua. 7 tháng năm 2023, ngành thép trong nước gặp khó khi hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ cộng với việc phải cạnh tranh với thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, thép Pomina điều chỉnh lợi nhuận năm 2023 từ lãi 300 tỷ đồng sang lỗ 150 tỷ đồng. Trước đó, vào quý III/2022, thép Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí.
Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị thép Pomina cho biết, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thể hiện sự thận trọng của Hội đồng quản trị trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố chính thôi thúc công ty điều chỉnh kế hoạch là dự báo ngành bất động sản chưa tốt lên trong năm nay.
Ông Thái cũng “lạc quan” cho rằng, dự kiến phải đến tháng 6/2024, thị trường bất động sản mới bắt đầu tốt trở lại.
Tổng Công ty CP Thép Việt Nam - VNSteel (TVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 6.754 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 57% còn gần 94 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của TVN tăng 15% lên 204 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 11% xuống còn 108 tỷ đồng. Đáng chú ý, TVN ghi nhận khoản lỗ gần 324 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, TVN công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 133,4 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lãi trước thuế công ty mẹ ước đạt hơn 194 tỷ đồng, bằng 373% kế hoạch cả năm. Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của VNSteel tăng nhẹ so với đầu năm lên mức 23.373 tỷ đồng, trong đó, hơn 6.400 tỷ đồng đang nằm dưới dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn II. Khoản mục hàng tồn kho ở mức hơn 4.658 tỷ đồng và doanh nghiệp đã trích lập dự phòng giảm giá gần 112 tỷ đồng.
Hay như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã TIS) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 1.946 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Tisco lỗ gộp 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 78 tỷ.
Trong kỳ, các chi phí chiếm tỷ trọng lớn là chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, lần lượt ở mức 28% và 129% so với cùng kỳ. Kết quả, Tisco lỗ trước thuế kỷ lục gần 100 tỷ trong khi cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.
Thép trong nước đã trải qua 16 phiên giảm liên tiếp và chịu sức ép lớn từ thép Trung Quốc giá rẻ |
Trong khi đó, thép Trung Quốc đang được nhập khẩu với số lượng lớn vào Việt Nam khiến thép sản xuất trong nước liên tục phải giảm giá nhưng vẫn khó cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp thép trong nước đang ở giai đoạn khó khăn ngắn hạn.
Theo số liệu của /chu-de/hiep-hoi-thep-viet-nam.topic (VSA), trong 6 tháng năm 2023, thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh với với 3,07 triệu tấn, chiếm hơn 55,2% sản lượng thép nhập khẩu.
Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho biết, trong bối cảnh thép Trung Quốc “ồ ạt” vào Việt Nam, các doanh nghiệp thép trong nước kháng cự một cách yếu ớt, nguy cơ chịu thua trên “sân nhà”.
Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất xem xét xây dựng hàng rào kỹ thuật với thép sản xuất trong nước, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong đơn kiến nghị này, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thép là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, lại là ngành công nghiệp cốt lõi, xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau.
Cũng theo VSA, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh… Cụ thể, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.
Trong khi đó, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào. Đồng thời, các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Chính vì thế, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị cần xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu...
Thiết nghĩ, trong bối cảnh khó khăn của ngành thép hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để vực dậy ngành thép trong nước - một trong những ngành công nghiệp xương sống của đất nước như tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, vực dậy thị trường bất động sản để tìm đầu ra cho ngành thép. Bên cạnh đó, một trong những việc cần làm ngay để "cứu" ngành thép trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với thép giá rẻ của Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam là cần có những biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ hơn để bảo vệ doanh nghiệp thép nội.