Thêm ông lớn ngân hàng nhập cuộc tăng lãi suất tiền gửi
Trong biểu lãi suất tháng 7 vừa áp dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giữ nguyên lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn, trong khi điều chỉnh tăng 0,1 điểm % đối với các khoản gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên, lên mức 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Agribank.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng tăng thêm 0,1 điểm % lên mức 5,6%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 – 36 tháng.
Lãi suất huy động tiếp tục nhích lên |
Hai "ông lớn" khác trong nhóm “bộ tứ” là Vietcombank, VietinBank hiện vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietcombank là 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi tại VietinBank là 5,6%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 12 tháng.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn tiếp tục thay biểu lãi suất mới theo hướng nhích lên trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong biểu lãi suất gửi online mới nhất, các mức lãi suất đã tăng lên đáng kể. Nhân viên giao dịch ngân hàng này cho biết lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1-3 tháng của Eximbank vừa được tăng lên 4%/năm, tăng khoảng 0,5 điểm % so với trước đó; kỳ hạn từ 15-36 tháng lên tới 6,5%/năm, tăng tới khoảng 1 điểm % so với trước đó.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ở mức 8,51% trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,97%.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) thống kê từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tăng tại một số ngân hàng cổ phần đã tăng 0,3 – 0,6 điểm %. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, mức tăng khoảng 1-2 điểm % trong cả năm 2022.
Đồng thời, VCBS dự báo lãi suất cho vay cũng chịu áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.