Thứ ba 05/11/2024 16:24

Thêm nhiều ngân hàng nhập "cuộc đua" giảm lãi suất cho vay

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chỉ đạo nóng về giảm mặt bằng lãi suất, đã có thêm nhiều ngân hàng nhập "cuộc đua” giảm lãi suất cho vay.

Các ngân hàng “ồ ạt” tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất để kích cầu tín dụng

Hôm 15/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã triển khai liên tiếp các chương trình giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng hiện hữu và các khoản cho vay mới thông qua nhiều gói tín dụng ưu đãi.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) đã triển khai gói tín dụng hạn mức 11.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,2%/năm cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn.

Còn với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trung dài hạn hoặc có nhu cầu vay mua ô tô, có thể tiếp cận gói vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 9,5%/năm.

Nhiều chương trình ưu đãi lãi suất được các ngân hàng tung ra để kích cầu tín dụng

Trước đó, ngân hàng này cũng dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn, bao gồm sản xuất nông nghiệp và vay tiêu dùng phục vụ đời sống như: mua, xây, sửa bất động sản... Lãi suất ưu đãi Sacombank áp dụng từ 7,5%/năm với vay sản xuất kinh doanh và từ 9%/năm với vay tiêu dùng. Đặc biệt, nếu khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở đảm bảo điều kiện cần thiết, mức lãi suất cho vay chỉ từ 8%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa công bố dành gói vay ưu đãi quy mô 1.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với lãi suất giảm đến 2%/năm. Theo đó, từ nay đến 31/12/2023, khách hàng SME vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn tại BVBank sẽ được áp dụng lãi suất từ 8,5%/năm.

Đây là gói tín dụng thứ 2 liên tiếp được BVBank công bố chỉ 1 tuần sau khi triển khai giảm lãi suất vay 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân với quy mô 7.000 tỷ đồng. Trong đó, BVBank dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng hiện hữu trên 12 tháng với mức ưu đãi lãi vay giảm đến 2%/năm; 4.000 tỷ đồng cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà đất, sửa chữa nhà và tiêu dùng lãi suất linh hoạt từ 8,8%/năm hoặc cố định từ 9,9% trong 3 tháng đầu và 2.000 tỷ đồng cho vay nhằm kích cầu mua sắm tài sản tích lũy và kích cầu tiêu dùng.

Không riêng các ngân hàng thương mại cổ phần, nhóm "Big 4" gồm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng tích cực triển khai các gói ưu đãi lãi suất.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 trong năm với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Trước đó, Vietcombank cũng triển khai 2 chính sách giảm lãi suất cho vay khách hàng. Lũy kế đến hết 30/6/2023, ngân hàng này giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Quy mô chương trình lên tới 25.000 tỷ đồng.

Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), gói tín dụng 20.000 tỷ đồng đang triển khai dành cho lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại, áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng.

Còn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với lãi suất ưu đãi mới từ 6,8%/năm.

Khách hàng “khỏe” thì ngân hàng cũng “khỏe”

Tại Diễn đàn Kinh doanh 2023 chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng” do Forbes Việt Nam tổ chức vào chiều 17/8, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chia sẻ: “Khách hàng khỏe mạnh thì ngân hàng cũng không “xây xát” nên ngân hàng đang tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, giảm lãi suất”.

Theo ông Thái, nhìn vào lãi suất hiện tại cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm lãi suất. Đây là điểm sáng của nền kinh tế.

Trong tháng 6-7 vừa qua, tăng trưởng xuất khẩu cùng các dấu hiệu vĩ mô có phục hồi trở lại, đầu tư công tăng trưởng tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam... “Quan trọng lúc này là làm sao để củng cố niềm tin của dòng vốn đầu tư, hay tiêu dùng cá nhân sẽ tăng trưởng trở lại khi chi phí vốn, lãi suất cho vay tương đối ổn định… MB đang phục vụ khoảng 23 triệu khách hàng và qua dữ liệu cho thấy nhu cầu đầu tư, vay vốn, chi tiêu thường dựa trên cơ sở là khả năng bảo đảm chi tiêu của từng người. Trong bối cảnh nền kinh tế có cơ hội hơn, ổn định hơn đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng gần đây tăng lên” - ông Thái nói.

Chủ tịch HĐQT MB cũng cho hay, ngân hàng đang đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số với định hướng không chỉ là ngân hàng mà còn muốn trở thành doanh nghiệp số. MB xác định các nền tảng số sẽ chiếm khoảng 50% doanh thu cho ngân hàng trong khoảng 4 năm nữa, và hiện tại đã chiếm khoảng 20% doanh thu.

Cụ thể, ngân hàng này đầu tư lớn cho dữ liệu, tìm mọi cách để tạo ra dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn cử suốt 5 năm qua, ngân hàng không tăng về quy mô chi nhánh và số lượng nhân viên, nhưng lợi nhuận vẫn tăng từ 18-25%. Kết quả này đến từ hiệu quả của việc đầu tư cho công nghệ, giúp ngân hàng có thể phục vụ khách hàng với những trải nghiệm khác biệt. Hiện người dùng có thể thực hiện tất cả giao dịch ở MB mà không phải đến chi nhánh, phòng giao dịch.

Trước đó, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến lãi suất đầu vào và cho vay đều tăng lên, khách hàng có khả năng chống chịu thấp đi, nhu cầu sản xuất kinh doanh yếu khiến nợ xấu của toàn ngành tăng, chi phí rủi ro tăng mạnh. Từ đó, buộc các ngân hàng phải giảm nhanh chi phí, thận trọng hơn trong quyết định cho vay, đồng thời tăng đầu tư công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: giảm lãi suất

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'

Lào Cai: Khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3

Nhà băng đua nhau tăng lãi suất, có nơi chạm 9,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng

Làm thế nào để tận dụng sức mạnh của lãi kép?

Bảo Việt 60 năm - Tự hào khẳng định Thương hiệu quốc gia

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Nâng cao vai trò đồng hành cùng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

Ưu đãi tới 30% khi thanh toán thẻ NAPAS Agribank tại Hàn Quốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam thêm cơ hội nâng hạng nhờ Thông tư 68

5 triệu USD thúc đẩy phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam

BIDV khởi động Giải chạy mang Tết ấm cho người nghèo

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ Bac A Bank

Động thái mới sau chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng '0 đồng'

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài

Đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số

Thị trường chứng khoán giằng co khi áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và khối ngoại bán ròng

Đề xuất thay đổi thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng 'vào mùa'

9 tháng đầu năm 2024: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Đề xuất quy định mới về hồ sơ, thủ tục tổ chức lại tổ chức tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao ông Lại Hữu Phước làm quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng