Thêm định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Hội thảo với mục đích tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệvà bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một cuộc họp của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW |
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam.
Là một vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc nước ta. Đây cũng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội.
Vùng đồng bằng sông Hồng cũng là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước; có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước, thuận lợi trong gắn kết các địa phương trong vùng và với các địa phương khác trong cả nước cũng như với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh. Do vậy, để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW (Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW), trên cơ sở đó tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 11 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch phục vụ nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết. Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Kết quả tổng kết Nghị quyết là cơ sở để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng, nhằm cụ thể hóa các quan điểm và định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của cả nước, Nghị quyết Đại hội đảng các địa phương nhiệm kỳ 2020-2025; đưa ra các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và thực tiễn phát triển vùng.
Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nằm trong chuỗi hội thảo, tọa đàm và là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tổng kết Nghị quyết.
Qua đó thống nhất về đánh giá thực trạng; những thành tựu đạt được; các hạn chế, tồn tại và khó khăn, vướng mắc trong phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, thông qua Hội thảo có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của Vùng thời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.