Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon
Túi thân thiện môi trường bắt đầu được người dân lựa chọn sử dụng |
Nếu như trước đây, người đi chợ thường xách theo những chiếc làn nhựa hay túi cói để để đựng thực phẩm, rau xanh… nhưng những hình ảnh này giờ đây thật khó để tìm thấy, kể cả ở những vùng nông thôn miền núi. Hiện, người dân đi chợ đã có túi nilon từ các tiểu thương bán hàng cung cấp miễn phí với đủ kích cỡ, càng khó thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người tiêu dùng.
Nhìn ra các nước trong khu vực, rác thải nhựa dùng một lần khó phân hủy, trong đó có túi nilon, cũng đang là vấn nạn của nhiều quốc gia. Chị Nguyễn Thục Anh - Giám đốc Tài chính Công ty Du lịch Hy Vọng - cho biết: Ở các quốc gia, túi nilon vẫn được cung cấp cho người mua hàng tại siêu thị hay trung tâm thương mại, nhưng người tiêu dùng phải trả tiền. “Đơn cử, ở Trung Quốc, chúng tôi mua hàng ở siêu thị và phải mất 1 Nhân dân tệ, tương đương với 3.400 đồng, để được người bán hàng cung cấp cho 1 túi nilon. Còn ở hệ thống siêu thị 7- Eleven của Thái Lan, chúng tôi phải trả 0,5 Bạt cho 1 túi nilon, tương đương với 750 đồng” - chị Thục Anh dẫn chứng.
Thực tế trên thế giới, công cụ chính sách thuế và những chế tài nghiêm ngặt được xem là công cụ hữu ích nhằm tác động nên hành vi của người tiêu dùng. Điển hình như Irenland - quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế túi nhựa từ năm 2002, kết quả, đã giảm 90% lượng sử dụng túi nhựa với con số giảm 1 tỷ túi và rác nilon đã giảm đi rất nhiều.
Hiện, túi nilon thông thường trên thị trường Việt Nam được bán với giá khá rẻ, khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Mặc dù thuế đối với túi nilon tại Việt Nam đã tăng nhưng chưa đạt được hiệu quả, chưa làm thay đổi thói quen người tiêu dùng. Theo các chuyên gia quản lý và môi trường, Việt Nam cần tính toán thêm chi phí thay đổi thói quen người tiêu dùng để đánh thuế sao cho muốn sử dụng túi nilon dùng một lần thì phải trả tiền. Khi thuế tăng cao, giá thành túi nilon cũng tăng, người bán hàng sẽ cân nhắc việc tính phí, góp phần giảm thói quen sử dụng túi nilon của khách hàng hàng.
Về điều này, ông Emmanuel Cerise - Đại diện Vùng Ile-De-France, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam - chia sẻ, mỗi chính sách được đưa ra dựa trên văn hóa, phong tục, tập quán và cả khả năng vận hành của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cùng với các chính sách khác, công cụ kinh tế được xem là hiệu quả đối với Việt Nam, việc đánh thuế sử dụng túi nilon khó phân hủy cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành của túi nilon, giá thành cao sẽ không còn sự miễn phí nữa, khi phải bỏ tiền ra, người tiêu dùng sẽ cân nhắc hành vi của mình. Ngoài công cụ kinh tế ra, theo ông Emmanuel Cerise, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng phải được triển khai rộng rãi cho người dân như hướng dẫn tái sử dụng túi nilon thay vì bỏ ngay sau lần đầu sử dụng…
Có thể nói, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân cần có thời gian lâu dài. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, ngay từ bây giờ, mỗi người dân nên tự giác hạn chế, tiến tới loại bỏ bỏ thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ môi trường sống. |