Tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính
Để tháo gỡ khó khăn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tích cực vào cuộc, hoàn thiện pháp lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư để các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường.
Bộ Tài chính đang tích cực tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính. Ảnh minh họa: ST |
Kênh huy động trái phiếu không thu hút được nhà đầu tư
Ngay tại buổi làm việc với các công ty chứng khoán, DN phát hành trái phiếu được tổ chức ngày 23/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán thời gian qua suy giảm mạnh, chỉ số VN-Index giảm tới 600 điểm, tương ứng giảm 38% so với đầu năm 2022, trong khi đó thị trường tiền tệ và tín dụng diễn biến rất phức tạp, lãi suất liên tục tăng cao, nguồn tín dụng bị thắt chặt. Thị trường vốn mà Việt Nam dồn sức tạo dựng nhằm phục vụ cho sự phát triển của kinh tế đất nước liên tục chao đảo từ đầu năm 2022 đến nay, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, Công ty An Đông và ngân hàng SCB…, đã tác động không nhỏ tới các DN đang có nhu cầu huy động vốn.
Liên quan đến dòng vốn trên thị trường, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) cũng đã có báo cáo cho biết, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt DN vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Dòng vốn khó khăn thể hiện ở hai khía cạnh: trước hết là thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và thách thức thứ hai là việc duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi DN. Hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các DN bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình DN khác khiến kênh huy động trái phiếu không thể thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách. Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của DN thêm trầm trọng. Nhiều DN lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn. Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của DN có nguy cơ bị bán tháo.
Báo cáo của Ban 4 dẫn số liệu từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, khối lượng đáo hạn trái phiếu DN tập trung nhiều vào năm 2023-2024 với số tiền ước tính lên tới 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu đang lưu hành và tập trung nhiều ở nhóm DN bất động sản. Áp lực thanh toán sắp tới hạn, trong khi việc phát hành trái phiếu mới không thu hút được nhà đầu tư, có thể khiến cả hệ thống tài chính gặp rủi ro thanh khoản, tạo ra các hệ lụy tiêu cực cho hoạt động của DN mọi ngành và tổng thể nền kinh tế.
Củng cố niềm tin của thị trường
“Cần có giải pháp để tăng thêm khả năng huy động vốn của DN trên thị trường, tập trung vào thị trường phát hành trái phiếu DN ra công chúng. Đây là sức mạnh nguồn vốn đến từ sức dân, có quy trình pháp lý chặt chẽ, giúp cho niềm tin của nhà đầu tư tăng lên”, bà Trần Thị Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương kiến nghị.
Để giải quyết thách thức liên quan thị trường tài chính, Ban 4 cũng đã đưa ra đề xuất trong trường hợp cần thiết thì tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho DN và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường, vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đồng thời đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước để không triệt tiêu năng lực DN.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam lo ngại đề xuất này chứa đựng những rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng. Việc tháo gỡ các khó khăn cho các DN để hỗ trợ họ tôn trọng những cam kết của họ với các trái chủ là cần thiết, nhưng không nên bằng cách chuyển “hòn than nóng” này sang hệ thống ngân hàng, gây rủi ro thêm cho hệ thống, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa DN lớn và DN nhỏ, siêu nhỏ trong tiếp cận tín dụng, tiếp cận vốn trên thị trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trên cơ sở nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của thị trường liên quan đến tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, liên quan đến thanh khoản cũng như các khó khăn về mặt pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, củng cố niềm tin của thị trường để các nhà đầu tư sớm quay lại và đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới, giúp cho các DN huy động được vốn trên thị trường. Về phía các DN phát hành, yêu cầu các DN có trách nhiệm một cách đầy đủ với các nhà đầu tư theo những gì DN đã cam kết. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát kỹ khung pháp lý, kể cả những nghị định mà Chính phủ mới ban hành là Nghị định 65/2022/NĐ-CP và có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh phù hợp giúp cho thị trường tiếp tục ổn định và phát triển.