Tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển khoa học công nghệ
Chiều ngày 3/6, tại Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học: Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, điện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng nghĩa phát biểu tại Hội thảo |
Đánh giá tại Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, công tác phát triển khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều kết quả cực như: Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội; Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu phát triển; Hợp tác quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra, kết quả đạt được còn hạn chế. Nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học và công nghệ tuy đã có đổi mới, song còn bất cập, chưa đồng bộ; phân bổ ngân sách chưa hợp lý. Hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự Hội thảo |
Theo TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, có nhiều khó khăn khiến việc triển khai thực hiện các chủ trương quyết sách lớn của Đảng về đào tạo về khoa học công nghệ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đơn cử như là nhận thức và thực thi tự chủ đại học. “Liệu có phải tự chủ đại học là phải tự chủ về tài chính và không nhận ngân sách chi thường xuyên. Ngay cả khi trường Đại học đã tự chủ thì có thực sự được thực hiện hết các quyền tự chủ hay chưa. Đã được thu mức học phí tính đúng, tính đủ chưa? Quy định về khối ngành, mã ngành đào tạo và việc mở mới các ngành đào tạo có còn phù hợp không? Cách tính chỉ tiêu dựa trên số lượng giảng viên, theo mét vuông đất, diện tích xây dựng có còn phù hợp”, TS Vũ Hải Quân đặt câu hỏi.
Thứ hai là tự chủ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Quy trình cấp kinh phí, thực hiện và nghiệm thu đề tài khoa học như hiện nay liệu có còn phù hợp không? Có thể có cơ chế khoán, cơ chế đặt hàng cho các đại học, cho các thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học được không? Dẫn ví dụ cụ thể, TS. Vũ Hải Quân cho biết, tại Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, tính bình quân, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ đạt 10 triệu/năm, một con số rất khiêm tốn.
Chính vì vậy, TS. Vũ Hải Quân cho rằng, trong thời gian tới, nên quan tâm đến đầu tư cho con người nhiều hơn thay vì chỉ ưu tiên đầu tư hạ tầng máy móc thiết bị; có cơ chế đột phá về đặt hàng nghiên cứu khoa học; có cơ chế phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu lưỡng dụng: vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.