Thứ tư 27/11/2024 06:39

Thành phố Hà Nội: Du lịch để lại ấn tượng tốt đẹp

SEA Games 31 đã khép lại, nhưng dư âm về kỳ đại hội thể thao khu vực thành công cũng như hình ảnh về Hà Nội an toàn, vẫn in đậm trong lòng người hâm mộ.

Khẳng định thương hiệu

Ngay trước thềm SEA Games 31, ngành du lịch Hà Nội đã xác định, đây chính là “cơ hội vàng” để quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến Hà Nội tới du khách và các đoàn thể thao trong khu vực. Với mục tiêu đó, ngành du lịch Thủ đô đã khẩn trương triển khai rầm rộ các chương trình quảng bá “Hà Nội - Điểm đến hấp dẫn”; tổ chức các đợt ra quân kiểm tra quy định về giá, chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác phòng, chống dịch Covid-19; duy trì đường dây hỗ trợ khách du lịch để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan trên địa bàn thành phố trong suốt quá trình diễn ra sự kiện…

Lan tỏa hình ảnh du lịch Hà Nội

Đặc biệt, các điểm đến, doanh nghiệp đã cùng nhau vào cuộc xây dựng sản phẩm du lịch mới và kích hoạt sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch tới Hà Nội nhân dịp SEA Games 31. Đồng thời, ngành du lịch Hà Nội đã gây ấn tượng khi phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đưa ra chương trình ưu đãi miễn phí vé tham quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng (Bus City Tour); vé vào Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám dành cho các đối tượng có thẻ SEA Games 31, có hơn 150 du khách đã tham gia trải nghiệm hoạt động này; giảm giá chương trình tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long trong tháng 5/2022, miễn phí tham quan ban ngày cho các vận động viên và đại biểu tham dự SEA Games 31. Mặt khác, song hành với SEA Games 31, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm tạo không khí sôi động, khơi dậy niềm tự hào trong nhân dân, quảng bá hình ảnh Hà Nội và Việt Nam thân thiện, mến khách, an toàn, hấp dẫn đến với bạn bè quốc tế.

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính đến ngày 23/5/2022, 18 khách sạn đã đón và phục vụ trên 5.600 đại biểu, trọng tài, vận động viên và phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao sao của thành phố với 62 khách sạn 3 - 5 sao, khu căn hộ cao cấp tương đương 7.355 phòng và gần 500 khách sạn 1 - 2 sao với trên 11.000 phòng luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch tới Hà Nội trong dịp SEA Games 31. Trong giai đoạn diễn ra SEA Games 31, Hà Nội đã đón gần 700 nghìn lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú.

Các vận động viên thích thú khi tham quan Hà Nội

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, ngành du lịch Thủ đô đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 thành công, ấn tượng, an toàn. Trong đó, công tác quảng bá, tuyên truyền hình ảnh Hà Nội với bề dày truyền thống văn hóa, tiềm năng và những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được mục tiêu đề ra, để lại ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn đại biểu, vận động viên, phóng viên và du khách quốc tế tham dự SEA Games 31. “SEA Games 31 đã góp phần thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam và Hà Nội, đồng thời khẳng định thương hiệu điểm đến tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực của Thủ đô Hà Nội” - bà Giang nhấn mạnh.

Tiếp tục lan tỏa sức hấp dẫn

Hà Nội là một trong các trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam. Trong hơn hai năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù chịu nhiều tổn thất, nhưng hiện nay, ngành kinh tế này đang trên đà phục hồi và tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến hàng đầu cả nước. Với những tín hiệu rất tích cực sau SEA Games 31, bà Đặng Hương Giang tin tưởng, 2022 sẽ là năm để ngành kinh tế xanh Thủ đô tập trung đổi mới, cơ cấu lại toàn diện để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao.

Để đạt mục tiêu đề ra, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung vào ba khâu đột phá: Tăng cường nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch; chuyển đổi số nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, ngành du lịch Thủ đô sẽ chú trọng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm có tính đột phá, hấp dẫn, đáp ứng những nhu cầu, thị hiếu mới của du khách trong giai đoạn mới; tăng cường liên kết các doanh nghiệp quảng bá, hợp tác, khai thác, phát triển thị trường du lịch.

Tuy nhiên, để du lịch Hà Nội bứt phá và thực hiện được mục tiêu năm 2022 đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó, có 1,2 - 2,0 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng cần phải khắc phục những điểm nghẽn đang tồn tại. Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - đã từng thẳng thắn đánh giá: Chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến của Hà Nội chưa cao, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ. Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch khu vực trung tâm, chưa chú trọng tới khu vực ngoại thành, tạo ra sự mất cân đối trong phát triển hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ.

Gợi mở về giải pháp tháo điểm nghẽn cho kinh tế xanh Thủ đô, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính chỉ ra, bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm, ngành du lịch Hà Nội cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý điểm đến phù hợp với xu hướng du lịch mới. Mặt khác, ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cần nâng cao chất lượng dịch vụ những sản phẩm quen thuộc để tạo sự mới lạ cho du khách. Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist - cũng cho rằng, để nâng cao giá trị điểm đến, ngoài tiêu chí chung, các điểm, khu du lịch cần có sự liên kết để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch nổi bật, riêng biệt cho Thủ đô.

Bà ĐẶNG HƯƠNG GIANG- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội:

Để bắt kịp xu hướng du lịch của du khách, ngành du lịch Thủ đô sẽ đẩy mạnh đổi mới theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao.

Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam chính thức công bố biểu trưng du lịch

Xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng - Lai Châu

TP. Hồ Chí Minh: Đón hơn 39,3 triệu lượt khách du lịch, thu gần 174.000 tỷ đồng

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Tàu biển tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long tiếp tục đưa 400 du khách đến với Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Du lịch âm nhạc 'hút' khách

Làng rau Trà Quế - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2024

Tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

Thêm đường bay thẳng từ Singapore: Phú Quốc ngày càng hấp dẫn với khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài

Lai Châu: Sắp diễn ra Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường “Về miền đỗ quyên”

Quảng Ninh và hành trình khôi phục du lịch 'thần tốc' dịp cuối năm

Thành phố Đà Lạt ‘chạy nước rút’ chỉnh trang đô thị, chào mừng Festival Hoa lần thứ X – năm 2024

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Lào Cai: Sắp diễn ra Festival Bắc Hà 'Nghiêng say mùa Đông'

Ninh Bình lên kế hoạch đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình

Bay dù lượn: Cần được kiểm soát chặt, phòng tránh các rủi ro

Du khách nô nức ‘check-in’ thiên đường hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya, Gia Lai