Chiêu 'rửa tiền' trong vụ khai thác trái phép quặng apatit tại Lào Cai |
Trong khi công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn Thanh Hóa đang được đẩy mạnh, hàng loạt doanh nghiệp bị xử phạt thì tại xã Hà Tân (huyện Hà Trung), Công ty TNHH Thương mại Tân Hải đã khai thác đá ngoài vị trí cấp phép, trong thời gian dài với diện tích lớn, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Khu vực khai thác chưa được cấp phép của Công ty Tân Hải |
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại Tân Hải (Công ty Tân Hải) mới chỉ được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản nhằm nâng công suất mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, tại vị trí hang Lòn, xã Hà Tân, nhưng bỏ qua các quy định của Nhà nước về khai thác khoáng sản, công ty này đã ngang nhiên tổ chức khai thác đá nhiều năm qua mà không bị xử lý.
Để xác minh phản ánh của dư luận, PV đã tới mỏ đá hang Lòn. Tại đây, hoạt động khai thác, chế biến đá đang diễn ra bình thường như một mỏ đá hợp pháp với hàng loạt máy xẻ đá đang vận hành. Cùng với đó là những máy xúc, máy cẩu đang đưa những khối đá lớn xuống khu tập kết... Trao đổi với PV, anh Nguyễn Minh Hải, tự xưng là người quản lý cho biết, sau đợt kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, công ty đang tạm dừng khai thác khu mỏ chính, chỉ khai thác khu vực mỏm núi bên kia (nơi chưa được cấp phép – PV).
Được biết, Công ty Tân Hải được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 208/GP-UBND ngày 27/5/2017, mục đích khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá ốp lát. Trữ lượng đá vật liệu xây dựng thông thường 991.555m3, đá ốp lát 52.188m3, công suất khai thác 12.000m3/năm. Giới hạn độ sâu khai thác Cos +20. Thời gian khai thác 30 năm.
Đến năm 2017, Công ty Tân Hải được UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò số 370/GP-UBND, cho phép Công ty được thăm dò trên diện tích 2,76ha tại hang Lòn, thời gian thăm dò 4 tháng 15 ngày. Ngoài ra, UBND tỉnh chưa cấp phép bổ sung cho công ty này.
Trước đề nghị của Công ty Tân Hải, ngày 6/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ký Công văn số 4407/UBND-CN về việc chưa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác mở rộng, nâng công suất mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Hà Tân, lý do: Hồ sơ đề xuất chưa đảm bảo quy định do tổng vốn đầu tư dự án chưa có sự thống nhất giữa các lần đề xuất của doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng, hoàn thành dự án theo quy định.
Mặc dù chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và Giấy phép thăm dò trữ lượng hết hạn đã lâu, nhưng Công ty Tân Hải vẫn tổ chức khai thác một cách bình thường, ổn định mà không bị kiểm tra, xử lý. Đáng nói hơn, ngoài khai thác khi chưa được cấp phép, theo quan sát của PV, công ty này còn vi phạm quy định về Cos được phép khai thác khi tạo nên những chiếc “ao” sâu hoắm, trong khi theo giấy phép, chỉ được khai thác tới Cos+20. Tình trạng này xảy ra cả ở khu vực mỏ đá đã được cấp phép và khu vực thăm dò đã hết hạn.
Cùng với những vi phạm trên, theo Báo cáo số 137/BC-STNMT ngày 16/9/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường, nội dung về kết quả kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Hà Tân, Công ty Tân Hải còn được nhắc đến với vi phạm: Chưa lắp đặt trạm cân theo quy định. Không những thế, công ty còn làm đường lên núi ngoài phạm vi mỏ được cấp, có dấu hiệu khai thác vi phạm ngoài phạm vi mỏ được cấp.
Với những vi phạm đã nêu, nhất là khai thác khi chưa được cấp phép và có “dấu hiệu” khai thác ngoài vị trí được cấp phép mà Công ty Tân Hải vẫn “ung dung” khai thác tại khu vực thăm dò mà không bị kiểm tra, xử lý. Trong khi, nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài địa bàn Hà Trung đã bị kiểm tra, xử lý nghiêm khắc. Đằng sau “sự lạ” này là gì? Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của chính quyền xã Hà Tân và huyện Hà Trung hay còn có vấn đề “tế nhị”? Đây là điều mà dư luận và nhiều doanh nghiệp địa phương đang mong muốn được làm rõ và trả lời. Thiết nghĩ mong muốn này là điều hoàn toàn chính đáng bởi mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật.