Thanh Hóa: Tiềm ẩn tai nạn giao thông tại các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài là 103km với 136 điểm giao cắt, trong đó có 69 đường ngang hợp pháp và 67 lối đi tự mở, trải dài ở 44 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố. Hệ thống ga phần lớn có quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, chiều dài đường ga ngắn gây khó khăn cho khai thác vận tải. Kho ga đường sắt, bãi hàng chủ yếu từ nhiều năm trước xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu tập kết, bảo quản hàng hóa.
Tiềm ẩn tai nạn giao thông tại các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt |
Tại một số địa phương, do nhu cầu đi lại của người dân rất cao nhưng lại thiếu đường gom nên nhiều nơi đã tự ý mở các lối đi dân sinh, lối đi tự mở. Trong khi, một số lối đi tự mở nằm ngay tại khúc cua của đường ray, bị cây cối che khuất tầm nhìn nên tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông.
Theo thống kê cho thấy, từ đầu năm đến ngày 20/10/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt, làm 5 người chết, 4 người bị thương, chủ yếu xảy ra tại các lối đi tự mở.
Tại xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tuyến đường nối 2 xã Hoằng Giang và Minh Nghĩa đã tồn tại từ lâu, cách đây khoảng 4 năm thì được nâng cấp, cải tạo lại. Tuy nhiên trên tuyến đường này đang có một bất cập khiến các đơn vị có liên quan phải “đau đầu”.
Mặc dù đã có biển cấm nhưng xe tải vẫn vô tư đi qua |
Tuyến đường nói trên có một đoạn đi qua địa bàn xã Tế Nông, huyện Nông Cống và giao cắt với tuyến đường sắt Bắc – Nam. Để đảo bảo an toàn, bảo vệ cho đường sắt, ngành đường sắt đã đặt biển cấm xe tải ở 2 đầu điểm giao cắt, tuy nhiên các xe tải vẫn vô tư đi qua, tiềm ẩn hư hỏng tuyến đường sắt và gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, điểm giao cắt này lại được xác định thuộc diện phải xóa bỏ.
Ông Lê Hùng Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Tế Nông cho biết, biển cấm xe tải đặt 2 đầu điểm giao cắt với đường sắt nói trên là do ngành đường sắt lắp đặt, việc các xe tải di chuyển qua lại là vi phạm, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc để giải quyết.
Điểm giao cắt này không gác chắn, không người canh gác sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông |
Còn một lãnh đạo phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nông Cống chia sẻ: “Vị trí nút giao này đường sắt đang yêu cầu địa phương xóa bỏ, đây là lối mở tạm, không nằm trong quy hoạch lối mở của ngành đường sắt nên không có đèn tín hiệu, không có barie gác”. Vị này chia sẻ thêm, đây cũng đang là một bất cập, nguyên nhân cũng do lịch sử để lại, hiện đang bị xung đột giữa các ngành có liên quan, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng đã có phương án để xóa lối mở này.
Theo quan sát của phóng viên, tuyến đường Hoằng Giang – Minh Nghĩa, đoạn qua xã Tế Nông, giao cắt với đường sắt là một tuyến đường rộng, rải thảm nhựa và có lượng phương tiện di chuyển nhiều, đa dạng, từ xe tải, xe con đến cả xe đạp.
Đặc biệt tuyến đường này thường xuyên được nhiều học sinh sử dụng để đến trường. Trong khi đó điểm giao cắt với đường sắt lại không rào chắn, không người canh gác sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.