Thanh Hóa: Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, diện mạo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.
Các cấp, các ngành đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức pháp luật, cách thức sản xuất, canh tác hiệu quả cho người dân trong khu vực; đã tổ chức 594 hội nghị và lớp tập huấn đào tạo nghề; 224 hội nghị truyền thông, hướng nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài.
Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc |
Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả. Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là 1.181.125 triệu đồng, đạt 95,6% kế hoạch (số vốn còn lại 53.785 triệu đồng, dự kiến sẽ giao kế hoạch trong quý I/2024); đến nay đã phân bổ chi tiết cho các dự án, tiểu dự án thành phần 761.635 triệu đồng.
Tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là 1.048.924 triệu đồng; đến nay đã phân bổ chi tiết cho các dự án, tiểu dự án thành phần 348.377,2 triệu đồng.
Nguồn lực phân bổ cho các chương trình, dự án đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn miền núi, nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, tạo động lực quan trọng góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giảm còn 15,71%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 14,75% (23.541 hộ); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn 20,91% (18.942 hộ).
Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đến thăm mô hình trồng sắn của gia đình ông Ngân Văn Tịnh ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát. |
Các địa phương khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư hoàn thiện 18 công trình nước sinh hoạt tập trung, 256 công trình trạm y tế, đường bê tông, chợ; 16 công trình trường học; 66 công trình thiết chế văn hóa; 02 trung tâm y tế huyện...
Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ước đạt 39,8%; tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 94,7%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 94,9%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt cao (mầm non 92,1%, tiểu học 99,4%, THCS 97,5%, THPT 87%); 100% trường tiểu học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học lớp 1, lớp 2; 100% trường THCS, THPT có phòng học kiên cố và kết nối mạng Internet; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của khu vực đạt 59,4%.
Công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn được chú trọng; giai đoạn 2021-2023, có 9.153 người lao động là người dân tộc thiểu số, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia các lớp đào tạo nghề tại địa phương, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn lên 57,3%. Công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động được quan tâm; đã có 13.228 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2023 là 8.614 người...
Cần gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 còn một số hạn chế, cần phải khắc phục.
Cụ thể như kết quả giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số, miền núi còn cao gấp nhiều lần mặt bằng chung của tỉnh, trong đó một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% (gồm các xã: Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý, Trung Lý, huyện Mường Lát).
Khu tái định cư bản Pá Hộc, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư khang trang, đồng bộ |
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn hạn chế, chưa linh hoạt, sáng tạo, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện Chương trình.
Một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn còn tư tưởng muốn "ở lại" xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn để được thụ hưởng các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn thiếu, năng lực còn hạn chế và thường xuyên thay đổi; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa nhịp nhàng, hiệu quả.
Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chịu khó làm ăn, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.