Thanh Hóa: Đảm bảo cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường, giá cả
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trườngtỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ và bình ổn giá cả, thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; xử lý 641 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,86 tỷ đồng.
Để đảm bảo cân đối cung, cầu hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát. Do đó, tình hình cung cấp xăng dầu đã đáp ứng đủ nhu cầu, không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá, đứt gãy nguồn hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, không có tình trạng đóng cửa ngừng bán hàng, bán cầm chừng do thiếu hàng. Các doanh nghiệp cam kết duy trì, bảo đảm đầy đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Xác định công tác tuyên truyền vẫn là trọng tâm, xuyên suốt, trên cơ sở đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, đã chủ động, phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Cụ thể, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh bắt giữ liên tiếp 3 vụ vận chuyển, buôn bán gần 6.000 bộ Test Kít Covid 19 không rõ nguồn gốc xuất xứ đợt tháng 3/2022. |
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích phổ biến pháp luật đến người kinh doanh, người dân để nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành chính sách pháp luậtgóp phần bình ổn giá cả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ký được 2.207 bản cam kết. Trong đó, có 572 bản cam kết của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 09 bản cam kết của doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, 1821 bản cam kết của cơ sở kinh doanh vật tư y tế và thuốc tân dược và 25 doanh nghiệp sản xuất, bán buôn thuốc, vật tư y tế. Niêm yết công khai thông báo đường dây nóng (Số điện thoại của Quyền Cục trưởng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổng hợp Cục, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường địa bàn được giao phụ trách) tại 572 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh “Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” theo nội dung Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2022.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng đã tích cực tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến các đối tượng kinh doanh xăng dầu; các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành; các thông tin về tình hình nguồn cung hàng hóa trong nước và trong tỉnh cho doanh nghiệp, người dân hiểu tránh tâm lý hoang mang, trữ hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mạivà hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động buôn bán vận chuyển hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra, trong đó tập trung các mặt hàng như: bánh kẹo, quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử, kit test.
Từ thực tế đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo các kế hoạch chuyên đề và trinh sát, theo dõi các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi gian lận trong đo lường, đóng gói, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra 820 vụ việc, xử lý 641 vụ vi phạm. Trong đó, có 129 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu; 44 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 147 vụ vi phạm về giá, 248 vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và 73 vụ việc khác. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,86 tỷ đồng.