Bằng việc quyết liệt thực hiện các giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, quý I/2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý gần 34.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 1.917 tỷ đồng.
Phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I/2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm (giảm 44,86% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, 3.631 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 72,44% so với cùng kỳ năm 2021); 29.296 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 8,77% so với cùng kỳ năm 2021); 874 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 94,54% so với cùng kỳ năm 2021). Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước 1.917 tỷ đồng (tăng 39,78% so với cùng kỳ năm 2021).
Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư, thiết bị y tế |
Ở trên biển, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các vi phạm vẫn diễn ra phức tạp ở tất cả các vùng biển với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, tổ chức chặt chẽ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị hiện đại để đối phó với lực lượng chức năng. Mặt hàng vi phạm là những loại hàng có lợi nhuận cao như: Ma túy, pháo nổ, xăng, dầu DO, than, khoáng sản, hàng thủy sản, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh.
Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, như: Ma túy, thuốc lá ngoại, xì gà, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, thuốc điều trị Covid-19... thông qua hành lý, các bưu kiện hàng hóa được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.
Trong thị trường nội địa, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, vụ việc vi phạm cao hơn so với những thời điểm khác trong năm. Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu tâm lý phòng, chống dịch Covid-19 của nhân dân tăng cao, các đối tượng buôn lậu hàng giả, hàng nhái, nhóm mặt hàng sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong thị trường nội địa, gia tăng giao bán bằng mọi hình thức trong đó có hình thức giao bán phổ biến trên mạng.
Tăng cường công tác phối hợp
Trên cơ sở này, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, lực lượng chức năng căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động công tác nắm tình hình, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, giữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp thực hiện công tác truyền thông theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung và chất lượng tuyên truyền...
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc (về quy định pháp luật, cơ chế phối hợp, và các điều kiện khác) kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời; từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. |