Tăng cường kiểm tra kiểm soát
Tại Nghệ An, trên tuyến biên giới đất liền và trên biển, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện chủ trương đóng cửa biên giới của Chính phủ hai Nhà nước Việt Nam - Lào, hoạt động xuất, nhập khẩu năm qua giảm khá nhiều. Hàng hoá được phép xuất khẩu chủ yếu là thức ăn gia súc, nhựa đường, dầu thực vật và xăng dầu là hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Các lực lượng chức năng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới cửa khẩu và cảng biển kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới.
Lực lượng QLTT Nghệ An, thu giữ một khối lượng hàng lậu, hàng giả khá lớn khi cuộc sống trở về trạng thái "bình thường mới" |
Theo đại diện lực lượng 389 Nghệ An, do lợi nhuận lớn, nguồn cung nhiều nên mặc dù cơ quan chức năng liên tục phối phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá, gỗ, động vật hoang dã, dược phẩm, mỹ phẩm… tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá trên tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp, việc chống buôn lậu còn gặp nhiều khó khăn.
Việc vận chuyển hàng lậu từ các nơi về địa bàn Nghệ An tiêu thụ vẫn còn tiếp diễn. Cụ thể trong năm 2021, lực lượng Bộ đội biên phòng xử lý vi phạm hành chính 356 vụ, khởi tố hình sự 59 vụ/79 đối tượng. Tổng giá trị thu phạt trên 12 tỷ đồng. Cục Hải quan xử lý vi phạm hành chính 104 vụ, tổng thu phạt gần 2 tỷ đồng.
Kết quả từ công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý của lực lượng 389 Nghệ An trong năm 2021, đã kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 7.251 vụ; trong đó đã khởi tố hình sự 292 vụ trên 392 đối tượng với tổng giá trị thu phạt gần 240 tỷ đồng.
Tại nhiều tuyến biên giới, tình hình buôn lậu hàng cấm, hàng lậu cũng nóng lên từng ngày. Trong những tháng cuối năm 2021, lực lượng chức năng Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ nhiều đường dây, vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy “khủng” từ Lào về Nghệ An rồi đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Theo Ban chỉ đạo 389 Nghệ An, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid -19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hoạt động thương mại trong nước và quốc tế dần được nối lại nên hoạt động buôn lậu lại tiếp tục vào guồng, đặc biệt tại các tuyến biên giới.
Riêng với lực lượng quản lý thị trường (QLTT), ông Nguyễn Văn Hường - Phó Trưởng Ban 389, Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An cho biết, trong năm 2021 lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 3.264 vụ, phát hiện xử lý 2.851 vụ, thu phạt gần 11 tỷ đồng. Trong đó, các vụ vi phạm về các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch COVID-19, vệ sinh an toàn thực phẩm hay vi phạm về hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử là khá nhiều. Để có được những kết quả này không chỉ từ công sức của lực lượng QLTT mà còn có sự phối hợp của lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan…
Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Nghệ An và các cơ quan chức năng giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 2.000 Kg giống lúa lai 3 dòng KH 336 ngày 29/12 vừa qua. |
Đẩy mạnh phối hợp
Theo lực lượng 389 Nghệ An, tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ kéo theo tình trạng tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng có hạn sử dụng như: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc tân dược, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… có nguy cơ bị tẩy xóa, thay đổi thông tin về ngày sản xuất, thời hạn sử dụng để đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Hơn nữa, thời điểm cuối năm các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ gia tăng hoạt động để đưa hàng hóa ra thị trường trong dịp Tết nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Hường cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc địa bàn quản lý, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, kiên quyết đấu tranh không để phát sinh điểm nóng gây bức xúc dư luận xã hội.
Mặt khác, ông Hường cũng yêu cầu lực lượng QLTT cần phối hợp với lực lượng tại các địa phương biên giới, địa bàn trọng điểm để tăng cường kiểm tra, ngăn chặn không để hàng hóa nhập lậu vào thị trường; trong đó, tập trung vào những mặt hàng trọng tâm, địa bàn trọng điểm.
Không những thế, việc phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong ngành, các đơn vị chức năng khác liên quan như Công an, Hải quan, Biên phòng…cũng là giải pháp hữu hiệu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức thực thi công vụ. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng buôn lậu nghiêm trọng, kéo dài thuộc chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý…”, ông Nguyễn Văn Hường nhấn mạnh.