Thận trọng khi điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2017 cần chấn chỉnh công tác quản lý, phân bổ, sử dụng và giải ngân vốn nhà nước, trong đó có nguồn vốn nước ngoài |
Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trình bày cho biết, tổng vốn trong kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng, trong đó, Quốc hội đã thông qua phuơng án phân bổ 48.700 tỷ đồng cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương, còn lại 1.300 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
“Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết danh mục dự án cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương có đủ thủ tục đầu tư là 48.061,5 tỷ đồng, còn lại 638,5 tỷ đồng chưa giao kế hoạch” - Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương báo cáo.
Về tình hình giải ngân vốn nước ngoài, đại diện Bộ KH-ĐT cho biết, 11 tháng năm nay, các Bộ, ngành trung ương, địa phương thực hiện đạt mới 74,9% kế hoạch, tương đương 36.006,058 tỷ đồng.
Trong khi đó, thời gian giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm nay không còn nhiều, cụ thể là chỉ được phép giải ngân đến ngày 31/01/2017, do dó, ngày 5/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP và trước đó, tại Công điện số 2144/CĐ-TTg ngày 29/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 đến ngày 30/11/2016 dưới 50% kế hoạch vốn được giao thì phải thực hiện cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 19/12 đã có 5 Bộ, ngành trung ương (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc) và 7 địa phương (Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Hậu Giang, An Giang) đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 với tổng vốn giảm trên 2.296 tỷ đồng.
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, hiện còn lại 4 Bộ, ngành trung ương và 20 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch, nhưng chưa có báo cáo đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.
Bên cạnh đó, số vốn Chính phủ chỉ đạo cắt giảm đối với các Bộ, ngành trung ương và địa phương này và cắt giảm thêm đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2.920,14 tỷ đồng.
Như vậy, tổng sổ vốn dự kiến cắt giảm trong kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là trên 5.854 tỷ đồng.
Cũng trong Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương trình bày, Chính phủ đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là trên 14.235 tỷ đồng, trong đó, có đề xuất cấp vốn điều lệ cho 2 ngân hàng chính sách là 5.860 tỷ đồng, gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 2.766 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội là 3.094 tỷ đồng - đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp hôm nay.
Cụ thể, dù Báo cáo thẩm tra nội dung này của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách ghi nhận đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho 2 ngân hàng nói trên đã được đề xuất nhiều lần nhưng chưa được chấp thuận và triển khai và “Việc cấp vốn điều lệ để hai ngân hàng này thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao là cần thiết” - Báo cáo Thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá. Song, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng có bảo đảm phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng hay không?.
Làm rõ hơn về nội dung này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, dù số tiền đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng nói trên chưa có trong dự toán phân bổ vốn của năm 2016, song, nếu được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép thì vẫn phù hợp vì khoản tài trợ nói trên của Ngân hàng Thế giới (WB) không có ràng buộc cụ thể chi cho khoản nào mà do Chính phủ Việt Nam toàn quyền quyết định.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, không chỉ trong năm 2016 mà trong nhiều năm qua, công tác quản lý, phân bổ, sử dụng và giải ngân vốn nhà nước, trong đó có nguồn vốn nước ngoài còn nhiều bất cập, tồn tại, như: phân bổ vốn chưa sát với tình hình, thậm chí có đơn vị được phân bổ nhưng không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa hoàn thành thủ tục, chưa đủ điều kiện nhưng đã được phân bổ vốn.
“Ngoài ra, công tác giải ngân chậm cũng diễn ra triền miên năm này qua năm khác” - Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở và yêu cầu chấn chỉnh để năm 2017 không còn tình trạng này hoặc nếu còn thì phải ít hơn so với năm 2016 và những năm trước.
Với nội dung thảo luận trong phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 của Chính phủ là cần thiết, tuy nhiên, phải xem xét, nghiên cứu thấu đáo hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tuân thủ đúng Hiến pháp và các luật (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác) và đảm bảo không trái với cam kết trong các Hiệp định vay vốn nước ngoài mà Việt Nam đã ký kết; phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua.
Kết thúc phần thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đồng ý với đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 của Chính phủ và giao Ủy ban Tài chính – Ngân sách và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết về vấn đề này trình Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.